Thế giới việc làm đang thay đổi mạnh mẽ, các xu hướng việc làm cũng thay đổi theo để phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến thị trường việc làm. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cũng đang chuyển hướng để thích ứng với tốc độ thay đổi, để tồn tại và phát triển. Do đó, các chuyên gia nhắn nhủ người lao động (NLĐ) phải trang bị nhiều kỹ năng để giữ việc làm cũng như sẵn sàng cho những thay đổi mới.
Nâng cấp bản thân để thích nghi
Tốt nghiệp và làm việc đúng chuyên ngành được 3 năm nhưng chị Nguyễn Kiều Phi (26 tuổi, quê Bình Định), nhân viên kế toán Công ty CP Flamingo Media (quận 1, TP HCM), vẫn tích cực đến lớp học kỹ năng giao tiếp và lớp sử dụng phần mềm chuyên ngành nâng cao. Phi cho biết dù công ty không bắt buộc nhưng chị vẫn đăng ký tham gia các lớp học này để bắt kịp các xu hướng thay đổi để làm tốt hơn công việc của mình. "Đa số nhân viên trong công ty tôi đều rất trẻ, họ rất năng động và nhiệt huyết với công việc. Ai cũng đa năng nên không khí làm việc theo nhóm khá sôi nổi, hiệu quả. Đặc biệt, đây là công ty làm về truyền thông nên sự cạnh tranh là rất lớn, vì thế tôi cũng tự nâng cấp bản thân để thích nghi" - chị Kiều Phi nói.
Được cất nhắc lên vị trí quản lý ngay sau khi bước vào tuần làm việc đầu tiên trong năm mới Tân Sửu, anh Lê Ngọc Đoàn (29 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP HCM), Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Nhật Bản TNC (quận Tân Bình, TP HCM), khá bất ngờ bởi trước Tết anh chỉ là nhân viên kỹ thuật đúc. Dù vậy, Đoàn cho biết anh đủ tự tin để đảm nhiệm vị trí mới bởi nhiều năm qua đã được công ty cử đi học các lớp quản lý, bản thân cũng tự mày mò học hỏi, nghiên cứu sách vở nhiều.
"Tôi may mắn khi được lãnh đạo DN và anh em đồng nghiệp ủng hộ. Tôi tự nhủ còn phải học hỏi nhiều nhưng rõ ràng cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người nếu có sự chuẩn bị tốt" - anh Đoàn bộc bạch.
Những người như chị Phi, anh Đoàn là những NLĐ luôn không ngừng học hỏi để đón chờ cơ hội thăng tiến của mình trong công việc. Họ luôn ý thức được những thay đổi có thể đến với chính công việc của mình, chính DN mình đang làm và sẵn sàng cho những đổi thay đó.
Tranh thủ nâng cao kiến thức, kỹ năng là xu thế của người lao động
Đòi hỏi ngày càng cao
Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc của Adecco Việt Nam, cho biết có 6 kỹ năng nổi bật được yêu cầu, là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng trên thế giới hướng đến khi tìm kiếm những ứng viên cho DN. Đó là: Hiểu biết về số hóa, hay được hiểu là khả năng tận dụng tối đa công nghệ có sẵn; Kỹ năng bán hàng, khả năng xây dựng mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến người khác; Phân tích dữ liệu, khả năng diễn giải thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn; Giao tiếp, khả năng cộng tác hiệu quả giữa các nền văn hóa, biên giới, ngôn ngữ; Học tập nhanh chóng, khả năng liên tục học hỏi, gạt bỏ những gì đã học, trau dồi lại và học tập ứng dụng; Đổi mới, khả năng thông báo và thích ứng với những thay đổi.
"Lợi thế nghiêng về những NLĐ sử dụng tốt công nghệ, khả năng tận dụng công nghệ rất quan trọng, vì vậy các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những người có kỹ năng này. Hơn nữa, NLĐ trong thời đại hiện nay không nên chỉ giỏi chuyên môn mà cần nhiều kỹ năng khác bao gồm những kỹ năng mà tôi chia sẻ ở trên. Có như thế mới có thể làm tốt công việc của mình và hỗ trợ tốt đồng nghiệp bởi xu hướng làm việc nhóm là sống còn của DN" - ông Mangels cho biết.
Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đào tạo Kỹ năng Hành nghề Việt Nam (VESTCO), nhìn nhận trong một thế giới tự động hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì kỹ năng phân tích dữ liệu là một yếu tố không thể không có đối với NLĐ. Kỹ năng xác định và phân tích thông tin theo ngữ cảnh đang dần trở nên quan trọng đối với những vị trí công việc mà có thể trước kia chưa từng sử dụng dữ liệu. Dữ liệu giúp NLĐ hiểu nhu cầu khách hàng, đồng thời mang đến cái nhìn sâu sắc về các lĩnh vực có điểm cần cải thiện trong các sản phẩm và dịch vụ cụ thể.
Phân tích dữ liệu, dưới hình thức là một kỹ năng quan trọng, giúp DN đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng để cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh. "Một nghiên cứu mới đây cho thấy robot sẽ điều hành nơi làm việc và làm thay những phân tích do con người thực hiện nhưng tin vui là robot chỉ làm thay được 20% thôi. Nhưng đừng chủ quan, NLĐ hãy tự đổi mới mình, phải rèn luyện, học hỏi nâng cao liên tục để duy trì, bảo vệ việc làm của mình. Chúng ta nên nhớ rằng kỹ năng mềm tiềm ẩn trong mỗi người, chúng ta chỉ cần tìm hiểu và thể hiện ra. Kỹ năng chuyên môn là tạm thời, hành vi mới là mãi mãi" - ông Tùng nói.
Ông Tùng nhấn mạnh điều quan trọng cần nhớ là khi thế giới việc làm thay đổi thì các kỹ năng mà các công ty yêu cầu cũng sẽ thay đổi. Điều này có nghĩa là NLĐ cần không ngừng tự trang bị kiến thức và nâng cao những kỹ năng mới mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, tránh bị tụt hậu và bỏ rơi.
Bình luận (0)