Có dịp ghé thăm Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP HCM) gần đây, chúng tôi rất thích thú khi nhìn 2 cánh tay robot tự động trong xưởng gia công. Không chỉ Juki Việt Nam mà hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư hệ thống tự động hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động.
Máy móc thay thế con người
Ông Phạm Hồng Thái, Phó Bộ phận Quản lý nhân sự Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết do yêu cầu sản xuất mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, năm 2016, công ty lắp đặt 2 cánh tay robot ở bộ phận gia công với tổng chi phí gần 200.000 USD. Trước đây, những bộ phận này có 13 công nhân (CN) làm việc cho mỗi ca nhưng từ khi lắp đặt, chỉ cần 1 CN/ca đứng xem cánh tay robot hoạt động và điều chỉnh khi cần thiết.
Công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam thay đổi để thích ứng với công nghệ mới
Không chỉ lắp đặt 2 cánh tay robot, máy móc, công nghệ cũ cũng được thay bằng máy móc hiện đại nhất. "Những CN dư ra từ bộ phận gia công được công ty bố trí làm việc ở các bộ phận khác. Nhiều CN lo lắng robot làm việc sẽ thay thế hết CN nhưng không phải vậy. DN vẫn cần nhiều CN, nhất là những người có tay nghề cao bởi khi làm việc với robot, đòi hỏi CN phải có kiến thức, giỏi công nghệ thông tin để điều khiển các thiết bị hiện đại này" - ông Thái cho biết.
Theo ông Đào Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Juki Việt Nam, mục tiêu của DN là mỗi tháng phải tăng năng suất 1% để nhận thêm những đơn hàng mới. Vì thế, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nhiều máy móc hiện đại để thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, DN cũng có chiến lược đào tạo bằng các khóa học ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước.
Muốn tồn tại, phải thay đổi
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới, mở ra nhiều cơ hội mới về sự phát triển, hợp tác và kết nối toàn cầu. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho DN chính là tiếp cận công nghệ thông tin ở trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, sự thách thức là không nhỏ nếu DN vẫn duy trì công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động. Khả năng cạnh tranh giảm, lâu dần sẽ dẫn đến nguy cơ giải thể, phá sản. Do đó, DN cần thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, mô hình quản trị và có sự đầu tư về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), cho rằng ở lĩnh vực thực phẩm, việc ứng dụng công nghệ vào quy trình giết mổ, sản xuất, chế biến là vô cùng cần thiết. Đó là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm đầu ra, giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và thương hiệu DN trên thương trường. Để đón đầu làn sóng công nghệ này, công ty đã có kế hoạch đầu tư hệ thống sản xuất mới với quy trình khép kín, tự động hóa.
Ông An bày tỏ: "Trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng, DN phải đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, thiết bị robot cùng với ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian vận hành, hoàn thiện sản phẩm và đạt được sự thuận tiện cho DN, sự hài lòng cho cả khách hàng".
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Cơ hội cho công nhân giỏi
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của DN và thị trường lao động. Một mặt, cuộc cách mạng này mang đến nhiều cơ hội lớn về việc làm ở một số lĩnh vực áp dụng công nghệ hiện đại hay trí tuệ nhân tạo...
Tuy nhiên, làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa sẽ gây áp lực nặng nề cho một số ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày… Theo dự đoán, lao động trong các lĩnh vực này có nguy cơ mất việc rất cao. Do đó, để tồn tại và thích ứng, các DN cần đón đầu cuộc cách mạng, sớm đổi mới công nghệ, tạo ra những mô hình hoặc hoạt động mới. CN cũng phải tích cực nâng cao tay nghề, trình độ để thích ứng. Tuy có nhiều thử thách nhưng đây cũng là cơ hội cho CN giỏi nghề.
Bình luận (0)