Trong số 185 phiếu khảo sát tôi phát ra, chỉ có 15 phiếu chọn "mua nhà" thay vì "thuê nhà". Vừa thấy kết quả, Bảo Ngân, người yêu tôi đã cười đắc ý: "Anh thấy chưa? Đâu có ai nghĩ xa xôi như anh. Thôi, nghe lời em đi".
"Nghe lời em đi" nghĩa là lấy hết tiền tiết kiệm dẫn cha mẹ hai bên đi du lịch nước ngoài một chuyến. Lý lẽ Bảo Ngân đưa ra là cha mẹ già rồi, cả đời vất vả lo cho con nên chưa bao giờ được ăn ngon, mặc đẹp; chưa được đi đâu xa ra khỏi cái cổng làng nên việc con cái phải làm bây giờ là "báo hiếu". Dẫn cha mẹ đi chơi một chuyến, sau này khỏi ân hận.
Nghe vậy, tôi rất phân vân. Người yêu tôi cũng có lý. Phận làm con, báo hiếu là việc phải làm. Thế nhưng khi tôi dọ hỏi ý ba mẹ thì mẹ tôi la lên: "Đi chơi có no được không? Đừng có sướng quá, hóa rồ. Không có đi đâu hết". Ý cha mẹ như vậy, tôi có muốn cũng không được.
Tuy nhiên, ông bà nhạc tương lai của tôi thì lại rất hào hứng. Vừa nghe nói đi du lịch nước ngoài, cha vợ tương lai của tôi đã tíu tít: "Tốt quá. Đó là ước mơ cả đời của bác. Phải đi đó, đi đây cho mở mắt với người ta". Mẹ của Bảo Ngân thì căn dặn: "Muốn đi đâu thì phải tính kỹ, lựa tour tốt để không bị lừa".
Tôi thì chẳng muốn đi đâu. Cày cục cật lực 8 năm qua, tiêu pha mọi thứ cho gia đình, tôi chỉ còn để dành được hơn trăm triệu. Vừa qua, có một công ty địa ốc triển khai việc bán nhà ở xã hội cho công nhân, tôi rất muốn mua một căn chừng hơn 50m2 với giá gần 800 triệu đồng. Tôi bàn với Bảo Ngân hai đứa sẽ hùn tiền mua nhà vì tôi nghĩ có lẽ người yêu tôi cũng dành dụm được chút ít.
"Nếu hai đứa mình hùn lại thì khỏi phải vay mượn để đóng khoản đặt cọc và 20% ban đầu"- tôi bảo vậy. Người yêu tôi lắc đầu quầy quậy: "Em không có tiền". Tôi ngớ người ra: "Vậy từ trước đến giờ em đi làm rồi tiền đâu? Lương em cũng được 7-8 triệu mà?". Người yêu tôi cười lỏn lẻn: "Thì bỏ vô miệng lủm hết cho nó chắc ăn. Có tiền gửi anh đường ruột là an toàn nhất". Tôi vẫn chưa tin: "Em nói thiệt không? Ăn hết rồi lỡ có chuyện gì, lấy tiền đâu mà lo?".
Bảo Ngân nói với tôi rằng thời buổi bây giờ không biết sống nay, chết mai; biến đổi khí hậu đang gây thảm họa khắp thế giới, có tiền không ăn hết, lỡ chết bất tử cũng không kịp xài! Người yêu tôi còn nhấn mạnh: "Mua nhà á hả? Em đâu có cần nhà làm gì? Mấy đứa bạn em trong công ty cũng có đứa nào ham mua nhà đâu? Để tiền xài cho sướng. Không tin anh đi hỏi đi, hỏi mấy đứa còn độc thân á".
Tôi thật sự bất ngờ với suy nghĩ của người yêu tôi. Quen nhau gần 2 năm, tôi đâu biết em có suy nghĩ lạ lùng như vậy? Thế nhưng cái câu "Mấy đứa bạn em trong công ty cũng có đứa nào ham mua nhà đâu" khiến tôi giật mình. Được rồi, tôi là chủ tịch Công đoàn, để tôi làm một cái khảo sát xem sao.
Kết quả là vậy đó. Chỉ có 15 người trong số 185 công nhân được hỏi ý kiến nói rằng họ thích ở trọ hơn mua nhà. Họ còn nói rằng nếu nhà nước xây nhà rồi cho công nhân thuê với giá rẻ thì tốt hơn chứ làm lương không có bao nhiêu, đâu có dư mà mua nhà? Ngọc Ngà, cô công nhân trẻ măng còn nói: "Ăn còn không đủ, lấy đâu để dành? Mua nhà rồi không lẽ hàng tháng nhịn ăn để trả góp? Mà cũng chưa chắc người ta dám bán cho mình, mấy đứa công nhân nhập cư cứ thích nay làm chỗ này, mai làm chỗ khác?".
Có nhiều lý do để công nhân của công ty tôi không thích mua nhà ở xã hội. Lý do lớn nhất là không có tiền để đóng trước, cũng không có tiền để trả góp hàng tháng. Vậy nhà đó xây để bán cho ai? Ít ra thì cũng có người như tôi muốn mua. Là bởi vì tôi muốn gắn bó lâu dài với thành phố này. Nhưng số còn lại, lại là số đông thì chỉ xem đây là nơi ở tạm bợ. Chính cái suy nghĩ "tạm bợ" này nên mới nảy sinh nhiều thứ lôi thôi, nhếch nhác và rất ư là... tạm bợ.
Và cái "tạm bợ" mà tôi lo lắng nhất là suy nghĩ của người yêu tôi. Với suy nghĩ làm được bao nhiêu, "bỏ vô miệng lủm hết cho nó chắc ăn", tôi không hi vọng gì Bảo Ngân sẽ là một người vợ, người mẹ tốt. Thế nhưng tôi không có đủ cả lý lẽ lẫn thực tiễn để chứng minh điều ngược lại và làm thay đổi suy nghĩ của người yêu tôi cũng như rất nhiều bạn bè của cô ấy...
Bình luận (0)