"Giờ lao động vì Trường Sa thân yêu" do Công đoàn (CĐ) Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn phát động đã diễn ra trong không khí khẩn trương, vui tươi và nghiêm túc. Chương trình được CĐ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chọn là công trình thi đua điển hình trong phong trào "Bàn tay vàng".
Góp sức xây dựng, bảo vệ đất nước
Là một trong hàng trăm công nhân (CN) tích cực hưởng ứng chương trình này, chị Nguyễn Thị Mộng Trầm ở Xưởng Đông lạnh Thắng Lợi, bày tỏ: "Dù công ty gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ hăng hái lao động sản xuất, làm ra thật nhiều sản phẩm có chất lượng, góp phần đồng hành cùng các chiến sĩ và ngư dân ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Công trình “Giờ lao động vì Trường Sa thân yêu” của Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn
Với mỗi CN tham dự phong trào, tuy cách xa đất liền nhưng Trường Sa thật gần trong trái tim mỗi người, cả nước luôn hướng về với bao niềm tin cậy, yêu thương. Ở nơi ấy có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng canh giữ, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương Tổ quốc. Nhiều CN cho biết họ rất vui khi ban giám đốc và CĐ cơ sở phát động phong trào, đồng thời bày tỏ mong muốn đóng góp sức mình trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Với tâm trạng phấn chấn, toàn thể CN đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Chỉ trong một giờ sản xuất, từ những sản phẩm đạt chất lượng cao, tập thể lao động công ty đã đóng góp 20 triệu đồng cho chương trình "Satra vì biển đảo quê hương" của tổng công ty.
Chứng kiến hiệu quả của phong trào, ông Phùng Đình Dũng, Chủ tịch CĐ Satra, thay mặt ban chỉ đạo "Chương trình Satra vì biển đảo quê hương", đã gửi lời cảm ơn những tình cảm quý báu, nhất là đóng góp của anh chị em CN Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Lãnh đạo CĐ tổng công ty bày tỏ mong muốn hoạt động này được duy trì thường xuyên nhằm góp phần cùng người lao động (NLĐ) toàn tổng công ty thực hiện tốt trách nhiệm của hậu phương đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. "Qua 8 năm thực hiện, chương trình "Satra vì biển đảo quê hương" có sức sống đặc biệt trong lòng hàng chục ngàn lao động Satra, thể hiện rõ giá trị văn hóa doanh nghiệp. Chương trình đã tạo điều kiện để NLĐ Satra hiểu rõ hơn về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Dũng khẳng định.
Sáng kiến từ lao động
Tất cả vì việc làm, sức khỏe và thu nhập của NLĐ, đó là mục tiêu phong trào thi đua "Bàn tay vàng" do các cấp CĐ TP triển khai hướng đến. Hưởng ứng phong trào do CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn phát động, Xí nghiệp (XN) Heo giống của Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, đã thực hiện công trình gắn liền với thực tiễn sản xuất là "Thiết kế dụng cụ giữ heo con khi cắt tai, cắt đuôi".
Sau khi di dời nhà xưởng về Bình Thuận, hoạt động sản xuất của XN gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nhân sự. Quy trình trước khi nghiệm thu phải cần 2 lao động thực hiện việc cắt tai và đuôi cho heo con. Do nhân sự biến động nên việc thực hiện quy trình gặp nhiều trở ngại. Trăn trở trước thực tế ấy, anh Lê Hồng Phong, XN Heo giống cấp I, đã nghĩ ra phương pháp cắt tai và đuôi heo chỉ cần một lao động. Tận dụng phế liệu, anh đã tự tay làm ra dụng cụ giữ heo con, nhờ vậy CN đỡ vất vả hơn khi thực hiện quy trình cắt tai và đuôi cho heo con. Sáng kiến này không chỉ giúp tổ tiết kiệm công lao động mà còn làm lợi cho XN hơn 60 triệu đồng/năm. Điều anh chị em CN vui nhất là với sáng kiến trên, công việc của họ nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Năng động không kém là anh Võ Thanh Hải, XN Chế biến Thực phẩm Nam Phong (Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn) với sáng kiến thiết kế lò sấy lạp xưởng bằng điện. Trước đây, việc sấy lạp xưởng chủ yếu bằng lò than nên chất lượng sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên đốt lò. Chưa kể, chất lượng và màu sắc sản phẩm trong cùng một mẻ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi bụi tro. Phát hiện ra bất cập ấy, anh Hải đã đề xuất giám đốc thay lò than bằng lò điện và hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Sản phẩm sạch, màu sắc đồng đều, mùi vị thơm ngon, đặc biệt điều kiện làm việc của CN được cải thiện. Sáng kiến của anh Hải giúp giảm chi phí nguyên vật liệu 1.735 đồng/kg thành phẩm.
“Có những công trình, sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có cái chỉ vài chục triệu đồng. Thế nhưng, mỗi công trình, sáng kiến là sản phẩm kết tinh trí tuệ và tâm huyết của NLĐ đối với công việc. Đóng góp của họ không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn giúp đồng nghiệp cải thiện sức khỏe và nâng cao năng suất lao động” - ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết.
Bình luận (0)