"Vợ chồng tôi làm cùng công ty và chưa được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Mất việc do dịch bệnh nên khi nghe Chính phủ và TP HCM có chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) khó khăn, gia đình tôi rất hy vọng. Thế nhưng, khi lập danh sách, tổ trưởng dân phố lại không đưa chúng tôi vào diện lao động tự do được nhận gói hỗ trợ của thành phố, như vậy có công bằng?". Đó là phản ánh của anh Nguyễn Thanh Liêm, công nhân (CN), Công ty TNHH P.T (quận 12, TP HCM) với đường dây nóng của Báo Người Lao Động mới đây.
Hiểu sai quy định
Anh Liêm cho biết hơn 2 năm trước, vợ chồng anh cùng vào công ty làm việc. Anh là CN đứng máy, còn vợ làm ở bộ phận đóng gói. Thế nhưng, đến nay cả hai vợ chồng vẫn chưa được công ty ký HĐLĐ và tham gia BHXH. Anh Liêm đã nhiều lần đề nghị công ty ký HĐLĐ và tham gia BHXH đầy đủ nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Từ ngày 15-7 đến nay, vợ chồng anh phải nghỉ việc để phòng chống dịch Covid-19 mà không được hưởng lương. Đời sống gặp nhiều khó khăn nên họ rất trông chờ vào khoản hỗ trợ của nhà nước nhưng kết quả không như mong đợi. Hơn 2 tháng qua, vợ chồng anh phải vay mượn khắp nơi để có tiền trang trải chi phí và không biết có thể trụ lại ở thành phố bao lâu. Điều khiến anh Liêm ấm ức hơn là nhiều CN có cùng hoàn cảnh ở khu trọ lại được hưởng chính sách hỗ trợ.
Công nhân một công ty tại quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH
Liên hệ với cơ quan chức năng, anh Liêm mới biết bản thân đã "nhầm lẫn", bởi vợ chồng anh tuy không có HĐLĐ nhưng không phải là lao động tự do. Theo Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, vợ chồng anh Liêm là người làm việc cho công ty theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý của doanh nghiệp (DN) nên không phải là lao động tự do. Theo quy định của Bộ Luật lao động thì công ty phải giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH cho vợ chồng anh nếu thử việc đạt yêu cầu. Mặt khác, khi NLĐ phải nghỉ việc không hưởng lương để phòng chống dịch Covid-19 thì trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cho NLĐ hưởng các chính sách hỗ trợ thuộc về DN, chứ không phải tổ trưởng tổ dân phố.
Mất quyền thụ hưởng
Theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2209/UBND-KT của UBND về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP HCM thì một trong những điều kiện để NLĐ tạm ngưng HĐLĐ, nghỉ việc không lương được hưởng hỗ trợ là đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương (có xác nhận của cơ quan BHXH). Tại TP HCM, ngoài trường hợp không được tham gia BHXH như vợ chồng anh Liêm, việc DN nợ đóng BHXH cũng sẽ khiến NLĐ bị mất quyền lợi. Chị Đỗ Thị Thanh Xuân, nhân viên chăm sóc khách hàng tại Chi nhánh một Công ty CP Anh ngữ tại quận 3 (TP HCM), là một trong những trường hợp như vậy.
Chị Xuân ký HĐLĐ với chi nhánh công ty từ đầu năm 2020 và hằng tháng đều bị trừ tiền đóng BHXH. Do công ty nợ lương từ tháng 5 đến tháng 7-2021 nên cuối tháng 7-2021, chị xin nghỉ việc. Do DN đang nợ BHXH (hơn 23,7 tỉ đồng) nên ngoài việc không được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước, chị cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết thực hiện Quyết định 23, BHXH thành phố đã xác nhận danh sách tham gia BHXH cho 196.500 NLĐ tại 14.492 đơn vị để làm thủ tục hưởng mức hỗ trợ 3.710.000 đồng do tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trên 30 ngày do dịch Covid-19. Trong quá trình thực hiện, không ít DN bị từ chối xác nhận do đang nợ BHXH của NLĐ. Theo thống kê của BHXH thành phố, tính đến ngày 12-8, có khoảng 839 đơn vị đang nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.
Cũng theo ông Mến, mặc dù thời gian qua, BHXH TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp như vận động, thanh kiểm tra nhưng đến nay trên địa bàn thành phố, ngoài 145.000 đơn vị, DN đang tham gia BHXH cho hơn 2,1 triệu lao động, vẫn có khoảng 100.000 đơn vị, DN (sử dụng ít lao động) chưa tham gia BHXH cho NLĐ. "Khi dịch bệnh được kiểm soát, BHXH thành phố sẽ đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của DN nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng cho NLĐ" - ông Mến cho hay.
Có thể khiếu nại, khởi kiện
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ phải nhận thức được việc tham gia BHXH là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của cả 2 bên (NLĐ và người sử dụng lao động). Bên cạnh đó, NLĐ phải thường xuyên cập nhật tình trạng đóng BHXH của bản thân, nếu phát hiện DN trốn đóng, nợ đóng BHXH thì lập tức có ý kiến để đơn vị khắc phục. Trường hợp DN chây ì, NLĐ có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi sai phạm của DN đến các cơ quan chức năng như Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh - thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện, LĐLĐ địa phương hoặc khởi kiện DN ra tòa để được can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Bình luận (0)