Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 3-2021, địa phương này có 1.609 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền 349 tỉ đồng, trong số này có tới 337 doanh nghiệp (DN) nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động). Mặc dù cơ quan BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ 19 DN sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự nhưng tới nay vẫn chưa có đơn vị nào bị "sờ gáy".
Công nhân trắng tay
Công ty CP Hancorp.2 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Bộ Xây dựng) đóng trên địa bàn xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa - là đơn vị "đội sổ" với số nợ hơn 34 tỉ đồng. Do công ty trốn đóng BHXH nên gần 100 công nhân (CN) bị triệt tiêu quyền thụ hưởng.
Công ty CP Hancorp.2 nợ hơn 34 tỉ đồng BHXH của người lao động
Nhiều năm nay, ông Lê Xuân Trường (ngụ xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã đại diện tập thể CN Công ty CP Hancorp.2 đòi quyền lợi khắp nơi song không có kết quả. "Kể từ thời điểm công ty nợ BHXH, chúng tôi không được hưởng các chế độ cơ bản như tiền ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thậm chí tiền lương cũng bị nợ. Đến tháng 2-2018, khi công ty dừng hoạt động thì quyền lợi của gần 100 CN vẫn không được giải quyết. "Bản thân tôi cũng đã ra Hà Nội kêu cứu khắp nơi, thậm chí gặp trực tiếp lãnh đạo Bộ Xây dựng nhưng đến giờ mọi thứ vẫn rơi vào im lặng. Giờ coi như anh em CN hết hy vọng" - ông Trường bức xúc.
Trước việc nợ đọng BHXH kéo dài, gây bức xúc cho NLĐ, từ năm 2018 đến năm 2020, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã 3 lần có công văn kèm theo hồ sơ gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều tra, khởi tố Công ty CP Hancorp.2 theo quy định pháp luật. Ngày 28-9-2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chuyển vụ việc cho Công an TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến ngày 20-10-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa có công văn phúc đáp rằng Công ty CP Hancorp.2 đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Tương tự, hàng trăm CN làm việc tại Công ty TNHH TS Vina (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cũng có nguy cơ trắng tay sau nhiều năm làm việc tại đây khi ông chủ bỗng dưng "biến mất". "Công ty nhiều lần nợ lương, thưởng và từ tháng 4-2017 không đóng BHXH cho CN. Đến tháng 2-2020, khi ông chủ bỏ trốn về nước, tập thể CN kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết. Hiện công ty đã thay đổi chủ sở hữu nên xem như chúng tôi mất trắng quyền lợi" - nữ CN L.T.H cho hay.
Khó xử lý hình sự
Ông Lê Bá Hội, Trưởng Phòng thu - BHXH tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận việc truy thu nợ BHXH tại các DN rất gian nan. Có trường hợp DN khó khăn thật sự nhưng cũng không ít DN chây ì, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ). "Từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh chúng tôi đã chuyển 22 hồ sơ của các đơn vị nợ BHXH sang LĐLĐ tỉnh, thế nhưng đến nay chưa đơn vị nào bị khởi kiện. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, BHXH cũng chuyển 19 hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra nhưng vẫn chưa có kết quả" - ông Hội cho biết thêm.
Theo quy định, việc khởi kiện phải do Công đoàn (CĐ) cơ sở đứng ra đại diện cho NLĐ. Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, do tâm lý làm công ăn lương nên rất ít cán bộ CĐ mạnh dạn đứng ra đại diện. Về phía NLĐ, một bộ phận nhỏ lo ngại mất việc làm nên không dám ủy quyền cho CĐ cơ sở. Để bảo đảm quyền lợi NLĐ tại các DN nợ BHXH, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần có giải pháp mạnh tay hơn trong vấn đề xử lý nợ đọng BHXH, đặc biệt là tại các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích
Bình luận (0)