Sáng 7-2, công nhân (CN) một công ty đóng trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM đã ngừng việc vì công ty đột ngột thay đổi chính sách. CN cho biết ngoài việc giảm tiền thưởng, công ty còn cắt các khoản trợ cấp đi lại, thâm niên, nhà trọ, bồi dưỡng độc hại... mà không thông báo rõ ràng.
Thay đổi đột ngột
Làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện CN “tố” công ty chèn ép, cắt giảm quyền lợi. Tiền thưởng Tết những năm trước bình quân 1 tháng thu nhập nhưng năm nay chỉ là 1 tháng lương cơ bản. Lao động nữ sinh con trước đây hằng tháng được trợ cấp tiền sữa, nay khoản trợ cấp đó cũng không còn. Tiền xăng, hỗ trợ nhà trọ mỗi tháng 400.000 đồng, nay chỉ còn 200.000 đồng. Ngoài ra, khi làm thêm, công ty không đài thọ bữa ăn mà đưa vào lương khiến CN thấy bị thiệt thòi vì tổng thu nhập bị giảm.
Trả lời thắc mắc của CN, đại diện công ty cho rằng việc cắt giảm đã được thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể sửa đổi, bổ sung vào tháng 6-2013. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Bản thỏa ước sửa đổi, bổ sung có đăng ký với cơ quan lao động và thông báo rộng rãi cho người lao động (NLĐ) biết hay không?” thì vị đại diện công ty thừa nhận chỉ bàn bạc, thống nhất với chủ tịch Công đoàn. Những điều khoản sửa đổi cũng không hề được thông báo cho NLĐ biết. “Công ty khó khăn, cần công khai thông tin để CN biết và chia sẻ. Đặc biệt, khi có những thay đổi theo hướng quyền lợi của NLĐ giảm sút thì càng phải công khai, minh bạch cũng như có sự chuẩn bị tốt về tâm lý để NLĐ không bị sốc” - đại diện cơ quan chức năng quận đã khuyến cáo như vậy.
Đổ lỗi cho người lao động
Mới đây, tập thể nhân viên một công ty truyền thông đóng trên địa bàn quận 3, TP HCM đã khiếu nại vì bị o ép, cắt giảm quyền lợi. Các nhân viên cho biết họ làm việc tại công ty gần 5 năm nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) ngắn hạn từ 2 đến 6 tháng, người làm vị trí quản lý thì được ký HĐLĐ thời hạn 1 năm. Tháng 11-2013, lấy lý do hết hạn hợp đồng, công ty cho hàng loạt nhân viên nghỉ việc. Một nhân viên cho biết: “Sắp Tết đến nơi rồi mà bị công ty cho nghỉ việc, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy, công ty không hề thưởng Tết với lý do làm việc chưa đủ 12 tháng. Khi tuyển dụng, công ty đưa bản hợp đồng bảo ký thì chúng tôi ký; có người làm 3 năm mà ký đến 6 bản HĐLĐ”.
Sau khi biết quyền lợi của mình bị xâm phạm, một số nhân viên đã làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, có người chuẩn bị thủ tục kiện ra tòa. Trao đổi với chúng tôi, phụ trách nhân sự của công ty cho rằng những vấn đề NLĐ khiếu nại là do “lịch sử để lại”, người phụ trách nhân sự mới về làm việc nên không nắm rõ. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy thì NLĐ cũng có lỗi vì đã “nhắm mắt, nhắm mũi mà ký”. “Công ty làm sai thì sẽ khắc phục, sửa chữa nhưng trong chuyện này chính NLĐ đã tiếp tay cho công ty sai phạm. Nếu NLĐ không ký thì làm sao công ty ép được?” - người này nói.
Không có rắc rối nào không thể giải quyết
Gần đây rộ lên rất nhiều vụ tranh chấp do các doanh nghiệp không rõ ràng, minh bạch trong thực hiện chế độ, chính sách. “Kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm quyền lợi NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ không trở nên phức tạp, căng thẳng nếu doanh nghiệp rõ ràng, sòng phẳng và chân thành với NLĐ” - ông Lê Trọng Đạt - nguyên trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Củ Chi, TP HCM - đánh giá.
Ông Đạt kể: Khoảng giữa năm 2013, do thiếu đơn hàng, không thể cầm cự nổi, giám đốc quyết định giải thể 2 phân xưởng với 150 lao động. Việc đầu tiên là giám đốc công ty xuống tận 2 phân xưởng gặp gỡ CN, nói rõ cho họ biết công ty đang gặp những vấn đề khó khăn gì, khả năng giải quyết đến đâu; các phương án ít xấu nhất mà công ty có thể đưa ra để CN góp ý, lựa chọn... Sau 3 lần “đả thông tư tưởng”, tập thể CN đồng ý phương án giải thể; giám đốc cam kết liên hệ tìm việc làm mới cho toàn bộ CN mất việc. Ngoài trợ cấp mất việc, công ty còn hỗ trợ thêm cho mỗi CN 2 tháng lương, 100 kg gạo, 4 lít nước mắm cùng dầu ăn, bột ngọt, đường, sữa... Đặc biệt, những CN đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ thì được giữ lại làm việc. “Tôi đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên góp ý cho giám đốc thực hiện chính sách đối với CN. Nếu thật sự quan tâm đến NLĐ thì không có rắc rối nào không giải quyết được” - ông Đạt đúc kết.
Bình luận (0)