Khi giới thiệu về hộ gia đình ông Nguyễn Đức Hải, các cán bộ phường Phú Xuân, huyện Nhà Bè - TPHCM đều nhận định: “rất chịu khó”. Quả vậy, dù hồi khởi nghiệp luôn bị nghề phụ bạc nhưng vợ chồng ông Hải vẫn kiên trì. Để rồi giờ đây, từ một hộ lắm lúc phải “vay gạo từng bữa”, vợ chồng ông đã có cơ ngơi sản xuất đàng hoàng.
Những “quý bà hết đát”
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Hải và bà Trần Thị Lòng đang chăm sóc một khay quy giống
Đó là khoảng năm 1998, ông Hải tìm đến các hộ nuôi sâu gạo để “bái sư học đạo”. Thế nhưng, họ không chịu nhận vì sợ “đệ tử” sẽ giật nghề của thầy. Năn nỉ mãi, ông được một chủ nuôi sâu bán lại cho vài lon con giống. Con giống của sâu gạo là những con bọ đen sì thân tròn và nhỏ hơn đầu đũa, gọi là con quy. Nhắc đến chuyện này, ông Hải bật cười: “Lứa quy họ bán cho tôi đó toàn là những “quý bà hết đát”, nuôi hoài không thấy đẻ và rồi chúng cũng chết hết”. Vợ ông Hải tặc lưỡi: “Biết vậy, mình thà để số tiền vay mượn đó mua bộ đồ mới cho con mặc đi học còn hơn”.
Không nản chí, một thời gian sau, vợ chồng ông lại tiếp tục mang số tiền tích cóp được đi mua quy. Lần này, vợ chồng ông mua được lứa “quý bà” đúng ý, rất mắn đẻ. Thế nhưng, sâu gạo rất phàm ăn và sẵn sàng xơi lẫn nhau mà vợ chồng ông Hải không biết. “Sau một đêm thức dậy, thấy số sâu được đẻ ra giảm hơn phân nửa, chúng tôi biết là mình… đang thua lần hai” - bà Lòng, vợ ông, kể lại.
Lần thứ ba, sau khi đã chuẩn bị nguồn thức ăn dồi dào từ vỏ trái cây của các nhà máy chế biến, đầu và xương cá từ chợ và những nguồn khác, vợ chồng ông lại quyết tâm khởi nghiệp. Lần này thì ông thành công. Ngày bán được lon sâu gạo đầu tiên cho những người bạn ham nuôi chim, vợ chồng mừng lắm. Nhưng lúc đó, sức của vợ chồng ông chỉ sản xuất được mỗi ngày chừng chục lon, chỉ mới tạm thoát khỏi cảnh “chạy gạo từng ngày”.
Đạt được ước mơ
Thời cơ đến vào năm 2006 khi vợ chồng ông Hải được vay tiền xóa đói giảm nghèo đầu tư mở rộng sản xuất, thuê mướn nhân công, tìm kiếm thêm đầu mối thu mua ở các quận khác. Từ đó, cuộc sống của họ ngày càng dễ thở hơn. Dẫn tôi đi thăm cơ ngơi hơn 50 khay sản xuất sâu chất chồng lên nhau với những mẻ sâu háu ăn ngọ nguậy không thôi, bà Lòng khoe đang tính cất lại nhà. Ước tính hiện nay mỗi ngày ông Hải giao mối hơn 100 lon sâu với giá 5.000 đồng/lon. Mỗi tháng vợ chồng ông thu về từ 15-20 triệu đồng tiền bán sâu. Bà Lòng nói: “Đây là khoản thu nhập tuy chưa phải lớn lắm nhưng đã vượt quá con số vợ chồng tôi từng mơ ước thời còn là… hộ nghèo”.
Thuận hòa, tốt bụng Ngoài kiên trì, chịu khó tự học nghề, còn có một yếu tố quan trọng khác nữa giúp vợ chồng ông Hải thành công là thuận vợ thuận chồng. Anh Trần Hữu Lợi, quê ở Tây Ninh, người làm công đầu tiên của vợ chồng ông Hải, nhận xét: “Vợ chồng anh chị ấy rất hòa thuận, đồng lòng, hiếm khi xảy ra mâu thuẫn và cũng đối xử rất tốt với người làm”. Bà Tống Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè - TPHCM, nói: “Ông bà ta dạy “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” quả là đúng đối với trường hợp của vợ chồng anh Hải”. |
Bình luận (0)