Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải
Sáng 20-5, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 1.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các liên đoàn lao động (LĐLĐ) các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
Đây là dịp công nhân được chia sẻ, nói lên nguyện vọng của mình, còn người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe và đưa ra những quyết sách kịp thời, để chăm lo tốt nhất cho người lao động (NLĐ).
Tham dự có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường; lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là sự có mặt của gần 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu với công nhân-Video: Văn Duẩn
Thủ tướng lắng nghe những lời nói thật của công nhân
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui vì được gặp gỡ các anh chị em công nhân của các tỉnh, thành đồng bằng Sông Hồng. Thủ tướng hoan nghênh và cảm ơn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các địa phương trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chuẩn bị và tổ chức chu đáo chương trình, tạo cơ hội cho Thủ tướng được gặp mặt, trò chuyện và trực tiếp lắng nghe ý kiến của công nhân lao động và cán bộ công đoàn.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh qua 2 lần gặp gỡ và đối thoại với công nhân ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (2016) và miền Trung (2017), đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, được công nhân lao động và cán bộ công đoàn kỳ vọng, mong muốn trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp
."Chính phủ, các cấp công đoàn sẽ thường xuyên đối thoại để giải quyết được các vấn đề bức xúc của công nhân hiện nay, để từng bước nâng cao đời sống cho công nhân lao động"- Thủ tướng nói.
Để buổi gặp mặt, đối thoại đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong anh em công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải; đồng thời các cán bộ lãnh đạo bộ, ngành và địa phương lắng nghe, nêu giải pháp giải quyết các vấn đề mà người lao động nêu ra.
Không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động
Công nhân Trần Thị Thanh - Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho DN ép tiền lương anh em công nhân. Kính mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa này?
Được Thủ tướng yêu cầu trả lời câu hỏi này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết hiện việc sửa đổi này của Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến người dân.
Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII có chủ trương nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các DN. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động sống được. Nhà nước quy định mức sàn thấp nhất để các DN thương thảo, không được thấp hơn. NLĐ có quyền thỏa thuận với chủ DN, thỏa thuận này có sự can thiệp của tổ chức công đoàn. Việc bỏ thang bảng lương để tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc cải cách chế độ tiền lương, từ nay đến 2021, ta sẽ cân nhắc tính toán để đảm bảo quyền của NLĐ và các DN.
Với câu hỏi của chị Thanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vấn đề lương trong DN đã được đề cập trong nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng: Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
DN (kể cả DN 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.
"Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi NLĐ và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông NLĐ, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương NLĐ"- Thủ tướng lưu ý.
Phải dành quỹ đất xây nhà ở cho công nhân
Đặt câu hỏi cho Thủ tướng về vấn đề nhà ở, nhà trẻ cho công nhân và con công nhân, chị Phạm Thị Khuyên - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (Hà Nội) nói rằng chính quyền và một số DN chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại Khu Công nghiệp. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao.
Một nữ công nhân nêu câu hỏi cho Thủ tướng tại buổi đối thoại
"Tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc"- chị Khuyên đề đạt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai (2016) và Đà Nẵng (2017), Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại thủ đô.
Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền, đến từ Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam), nói với Thủ tướng rằng hiện tại, NLĐ ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ các nhà trọ kinh doanh phòng trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê. "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này".
Trước câu hỏi này của công nhân, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết cung cấp điện cho các KCN là một trọng tâm của tập đoàn của các địa phương. Việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công Thương. Tại các khu nhà trọ được sử dụng giá điện sinh hoạt như giá điện bậc thang… Việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân, nếu đúng như công nhân phản ánh, đó là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ nhà trọ.
Sau 100 phút đối thoại, giải đáp hàng loạt nguyện vọng, thắc mắc của công nhân, Thủ tướng cho rằng công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.
Đối với DN, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các DN cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học - công nghệ ở từng DN...
Đối với các bộ, ngành và địa phương: Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ NLĐ. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng DN thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe DN và NLĐ, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Tại buổi đối thoại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các DN của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định hỗ trợ 18 "Mái ấm Công đoàn" cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Bình luận (0)