So sánh một chính sách an sinh xã hội với loại hình bảo hiểm thương mại là khập khiễng - Ảnh: Hà Ngân
Thiệt hay hơn?
Để làm rõ lợi ích từ việc đầu tư khi tham gia BHXH tự nguyện so với việc gửi tiết kiệm, BHXH Việt Nam đã thực hiện một so sánh dựa trên các điều kiện cụ thể. Theo đó, BHXH Việt Nam đưa ra một giả định như sau:
Đóng BHXH và gửi tiết kiệm 20 năm tính từ năm 2008 (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện).
- Số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng BHXH duy trì trong suốt 20 năm và số tiền đóng BHXH được tính bằng tỉ lệ % theo quy định của từng thời kỳ tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH là 5 triệu đồng.
- Về mức đóng BHXH tự nguyện: Năm 2008-2009: 800.000 đồng (bằng 16%); Năm 2010-2011: 900.000 đồng (bằng 18%); Năm 2012-2013: 1,1 triệu đồng (bằng 20%); Năm 2014 trở đi: 1,1 triệu đồng (bằng 22%);
- Lãi suất tiết kiệm: 7%/năm; tính theo lãi gộp qua từng năm.
Chỉ số điều chỉnh tiền đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5%/năm tính từ năm thứ nhất (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm tính từ năm 2008 đến nay);
- Người tham gia hưởng lương hưu từ năm 2028 khi đủ 55 tuổi đối với nữ tỉ lệ % hưởng lương hưu theo quy định là 55% (nam giới đủ 60 tuổi, tỉ lệ là 45%);
- Mức điều chỉnh lương hưu bình quân tăng: 7%/năm
- Kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu là 20 năm;
- Mức lương cơ sở tại thời điểm năm 2048 là 10.000.000 đồng, tăng 8,27%/năm
- Trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng lương hưu tại thời điểm chết (mức thấp nhất theo quy định).
BHXH tự nguyện mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động
Khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, gần như hàng năm, Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu. BHXH Việt Nam cho biết chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002. Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh...
Như vậy, cùng với số tiền gửi tiết kiệm là 249,6 triệu đồng, nhưng đầu tư để tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là hơn 2,16 tỉ đồng đối với lao động nữ và hơn 1,78 tỉ đồng đối với lao động nam.
Số tiền chênh lệch khi hưởng BHXH so với gửi tiết kiệm lên tới hơn 973 triệu đồng đối với lao động nữ và gần 600 triệu đồng đối với lao động nam.
Trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì lợi ích là vô cùng lớn do số tiền người lao động phải bỏ ra đóng BHXH chỉ là 90.763.600 đồng, phần còn lại do đơn vị đóng. Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu được khám, chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả với số tiền không thể thống kê được. Bởi theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, trung bình mỗi người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh cần phải giải quyết cùng lúc. Chi phí y tế cho người cao tuổi gấp từ 7 đến 10 lần so với người trẻ; người cao tuổi sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc.
So sánh BHXH với bảo hiểm thương mại là vi phạm pháp luật
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), thời gian qua, các trang mạng xã hội đem ra so sánh lợi ích giữa tham gia BHXH để hưởng lương hưu với tham gia bảo hiểm nhân thọ, với gửi tiết kiệm... không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết.
Tại nhiều quốc gia có kinh tế phát triển, nền công nghiệp hiện đại hóa ở mức tiên tiến nhất với một loạt tên tuổi lớn trong bảo hiểm thương mại, bảo hiểm nhân thọ, với hệ thống ngân hàng thương mại quy mô lớn, thì chính sách BHXH vẫn được các quốc gia duy trì một cách bền vững và luôn coi đây là chính sách quan trọng Nhà nước phải duy trì thực hiện, bên cạnh hệ thống bảo hiểm tư nhân, thương mại. Bởi lương hưu nhận từ BHXH vẫn là nguồn thu nhập cơ bản với mọi người già ở các quốc gia phát triển; nguồn thu từ bảo hiểm thương mại hay tiền tiết kiệm từ ngân hàng chưa bao giờ đủ để bảo đảm duy trì an sinh cho cả cộng đồng ở mọi quốc gia.
Theo BHXH Việt Nam, sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản, còn các ngân hàng hoạt động nhằm mục đích sinh lời, là nghề kinh doanh có lời nhất và cũng có thể bị phá sản, trong trường hợp phá sản, tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.
Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 2 đến 3 chục năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít. Đây là điều ngược lại với BHXH khi tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ và trở thành căn cứ để tính lương hưu. Trong thời gian tham gia BHXH, khi chết thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng chế độ tử tuất.
Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH. Đối với gửi tiết kiệm thì số tiền lãi là mức xác định và giá trị của khoản tiền lãi sẽ ngày càng thấp do tác động của yếu tố trượt giá (lạm phát).
Bình luận (0)