Đáng chú ý, trong khi tiền thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất cao nhất thuộc về 1 DN dân doanh tại TPHCM với mức 855,107 triệu đồng thì mức thấp nhất thuộc về 1 DN dân doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ đạt 20.000 đồng/người.
Kinh tế "sáng" hơn, thưởng Tết kém hơn?
Năm 2017, GDP đạt 6,81%, CPI bình quân tăng 3,53% khiến mức lương và thu nhập của người lao động (NLĐ) được cải thiện hơn so với năm 2016. Thống kê đến 17.1.2018 với 26.829 DN (tương ứng 3,837 triệu người lao động) có báo cáo tiền lương, thưởng và nợ lương trên tổng số 432.899 DN (tương ứng 13,355 triệu người lao động) cho thấy: Tiền lương bình quân ước tính thực hiện năm 2017 là 6,603 triệu đồng/tháng, tăng 9,3% so với năm 2016 (6,040 triệu đồng/tháng). Trong đó, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ước tính thực hiện năm 2017 là 7,901 triệu đồng/tháng, tăng 4,5% so với năm 2016 (7,560 triệu đồng/tháng).
Công nhân may tại TP HCM Ảnh: A.C
Tại công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thực hiện năm 2017 là 7,339 triệu đồng/tháng, tăng 4,6% so với năm 2016 (7,019 triệu đồng/tháng). DN dân doanh ước tính thực hiện năm 2017 là 5,678 triệu đồng/tháng, tăng 3,3% so với năm 2016 (5,496 triệu đồng/tháng). DN có vốn đầu tư nước ngoài ước tính thực hiện năm 2017 là 6,790 triệu đồng/tháng, tăng 13,5% so với 2016 (5,978 triệu đồng/tháng).
Dù mức lương của NLĐ có mức tăng hơn so với năm 2017 nhưng tiền thưởng trung bình Tết Dương lịch, mức cao nhất của Tết Nguyên đán vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về thưởng Tết dương lịch, mức bình quân là 1,151 triệu đồng/người, chỉ bằng 91,9% so với năm 2017. Tại công ty TNHH Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thưởng trung bình 1,587 triệu đồng/người; tại công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thưởng 1,552 triệu đồng/người. Tại DN dân doanh thưởng 0,930 triệu đồng/người; DN có vốn đầu tư nước ngoài là 1,140 triệu đồng/người. Mức cao nhất là 1,5 tỉ đồng, thuộc về 1 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM; so với năm 2017, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất đã tăng gấp rưỡi. Mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng, thuộc về DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Bình Dương; mức này tương đương năm 2017.
Về thưởng Tết Nguyên đán, mức cao nhất là 855,107 triệu đồng, thuộc về 1 DN dân doanh tại TP HCM; thấp hơn so với mức cao nhất của năm 2017 là 1 tỉ đồng. Mức thưởng thấp nhất là 20.000 đồng, thuộc 1 DN dân doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, so với mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất của năm 2017 là 50.000 đồng, mức thưởng năm 2018 đã giảm nhiều, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ.
Thưởng mà như không!
Ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) - cảm thán như vậy khi được hỏi về mức thưởngTết 20.000 đồng. Theo ông Lai, trên thực tế mức chênh lệch "khủng khiếp" của tiền thưởng tết giữa các nhóm DN, địa phương, ngành nghề không thể đại diện phản ánh cho điều gì. Đơn giản, mức lương thưởng đều do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau. Nếu so sánh, chỉ nên so sánh mức bình quân chung.
Về tình hình thưởng Tết Nguyên đán 2018, ông Lai cho biết trong số 26.829 DN được thống kê báo cáo, cũng có DN không có tiền thưởng Tết, tuy nhiên nhóm này chiếm số ít và không có tính đại diện. "Đa số DN không có thưởng tết vì tình hình sản xuất kinh doanh quá khó khăn, thậm chí họ còn nợ đọng lương thì lấy đâu ra tiền mà thưởng Tết. Tôi nghĩ họ cũng không muốn thế, cực chẳng đã mới không thưởng tết" - ông Lai nói.
Với mức thưởng "có cũng như không" là 20.000 đồng, ông Lai cho rằng dù tiền thưởng là cơ chế thỏa thuận nhưng "thưởng 20.000 đồng thà không nên thưởng". Ông Lai nhận định đã thưởng thì ít nhất nên thưởng 100.000 đồng, vì thưởng là để khuyến khích người lao động. "Thưởng 20.000 thì khuyến khích được cái gì" - ông Lai đặt câu hỏi.
Bình luận (0)