Sáng 18-1, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết qua báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết của 60 tỉnh, thành phố tại 41.339 doanh nghiệp (DN) báo cáo, tương ứng với 3,83 triệu lao động (chiếm 15,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) cho thấy tiền lương đạt bình quân 7,84 triệu đồng/người/tháng, tăng 4% so với 2020 (tính trên mặt bằng tiền lương).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn tại Quảng Ngãi - Ảnh: T.Trực
Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ đạt 9,13 triệu đồng/tháng; DN dân doanh là 7,5 triệu đồng/tháng; DN có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng.
Mức lương tuy tăng nhẹ so với năm 2020 nhưng mức thưởng lại giảm. Theo ông Nguyễn Huy Hưng, có khoảng 55,2% trong tổng số DN có báo cáo thưởng tết (số còn lại 45% có thể có thưởng mà họ không đưa vào báo cáo). Tết dương lịch với mức thưởng bình quân là 1,36 triệu đồng/người, chỉ bằng 58% năm 2020.
Thưởng Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022 thì có khoảng 62,7% DN trong tổng số 42.159 DN báo cáo có kế hoạch thưởng với mức thưởng bình quân bằng 1 tháng lương (6,17 triệu đồng/người), bằng 97% năm 2021. Trong đó DN nhà nước thưởng bình quân 5,6 triệu đồng/người; DN dân doanh 5,92 triệu đồng/người và DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,66 triệu đồng/người.
Mức thưởng cao nhất Tết dương lịch là 471 triệu đồng thuộc về một DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực ngân hàng ở TP HCM. Tết Âm lịch thưởng cao nhất là 1,43 tỉ đồng thuộc DN lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng.
Thưởng thấp nhất thì có DN không có thưởng, thậm chí có cả bằng hiện vật. "Thưởng tết là do thỏa thuận của 2 bên người lao động và doanh nghiệp"- ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết theo tổng hợp ban đầu của tổ chức công đoàn, nhìn chung các DN cố gắng để có thưởng Tết cho người lao động bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Tuy nhiên, mức thưởng Tết bình quân giảm từ 20-30% so với những năm trước. Ở một số DN khó khăn, mức thưởng Tết chỉ ở mức 200-300 ngàn đồng/người, cá biệt có doanh nghiệp không thưởng Tết cho người lao động.
Trước những khó khăn của đoàn viên công đoàn và người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, tổ chức công đoàn đã dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành các quy định về phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất, công tác an toàn. Tổng Liên đoàn kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp. "Các cấp công đoàn đã chi từ nguồn lực tài chính công đoàn hơn 6.000 tỉ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho hàng chục triệu đoàn viên, người lao động"- ông Kiên cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải trao quà tới công nhân lao động tại Khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam - Ảnh: Hải Nguyễn
Với nhận định người lao động sẽ mong chờ vào sự hỗ trợ trong dịp Tết sau một năm khó khăn gay gắt, ngày 28-10-2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-TLĐ tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, đảm bảo đoàn viên, người lao động đón Tết cổ truyền của dân tộc bình an, vui tươi, ấm no, hạnh phúc với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết".
Tổ chức và phối hợp 63 đoàn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, bộ, ngành Trung ương và Tổng Liên đoàn đi thăm hỏi, động viên, chúc Tết, tặng 8.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có 15 đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà CNLĐ tại các tỉnh, thành phố.
Tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân bình an" tập trung ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Tổ chức chương trình "Chuyến xe Xuân nghĩa tình", "Tấm vé nghĩa tình" đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vé tàu xe để đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay trở lại làm việc.
Tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, động viên, thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về tiền lương, tiền thưởng dịp Tết đối với người lao động. Tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định sử dụng tối đa nguồn tích lũy tài chính công đoàn 4 cấp để đảm bảo chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động Theo đó đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp (đủ các điều kiện theo quy định của Tổng Liên đoàn) sẽ nhận mức hỗ trợ thấp nhất là 300 ngàn đồng/người. Tùy vào khả năng cân đối tài chính của mỗi cấp công đoàn và đối với trường hợp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ sẽ cao hơn. Dự kiến, khoảng 8 triệu người được chăm lo Tết từ chính sách này với tổng số tiền khoảng 3.000 tỉ đồng.
Đến nay, 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương đã có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Triển khai kế hoạch, từ đầu tháng 1-2022, các cấp công đoàn bắt đầu tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân Bình an" tập trung ở cơ sở và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, doanh nghiệp có đông người lao động phù hợp với tình hình diễn biến dịch.
Bình luận (0)