Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 20 quý IV/2018.
Theo Bản tin này, trong quý IV/2018, cả nước có 54,53 triệu người có việc làm, tăng 22.940 người (0,42%) so với quý III; 1.062.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 7,6 nghìn người so với quý III.
Cả nước có 23,79 triệu người làm công ăn lương, chiếm 45,14% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 823.000 người so với quý III. Số lượng và tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm. Theo đó, trong quý IV cả nước có 19,92 triệu người đang làm trong khu vực này, giảm 628.000 người so với quý III. Một số ngành có số lượng lao động tăng nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ còn 2,17%. Trong đó, thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học là 135.800 người, giảm 15.900 người; nhóm có trình độ trung cấp là 68.800 người, giảm 1.500 người so với quý III. Ngược lại, nhóm có trình độ cao đẳng có 81.400 người thất nghiệp, tăng 6.200 người; nhóm trình độ sơ cấp nghề có 27.000 người thất nghiệp, tăng 1.600 người so với quý III...
Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lao động- Xã hội, trong quý IV/2018, cả nước có 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 7.600 người so với quý trước đó. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo dõi 3 quý liên tiếp cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do công việc mới đòi hòi phải có tay nghề, nên lao động phải đi đào tạo với thời gian dài hơn. Bên cạnh đó, thị trường lao động có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc, nên việc tuyển dụng lao động cũng khắt khe hơn. Do đó, việc kết nối giữa các trung tâm dịch vụ việc và đơn vị sử dụng lao động cần khớp nối trong cung- cầu thị trường lao động.
Cũng theo Bản tin, trong quý I/2019, GDP dự kiến tăng 6,58%, một số ngành tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, ổn định như: Công nghiệp chế biến chế tạo (14%), bán buôn- bán lẻ (8,22%), dịch vụ lưu trú, nhà hàng (7,55%), kéo theo tăng trưởng việc làm ở những ngành này và một số ngành khác. Bên cạnh đó, năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện, xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo các ngành. Trong quý I/2019, thu nhập bình quân của lao động có việc làm đạt 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 670.000 đồng so với quý trước và tăng 1,03 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo dự báo của Bản tin trên, ngành công nghiệp chế tạo và du lịch dịch vụ vẫn là những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới. Một số ngành dự báo giảm nhu cầu lao động như: Nông lâm thủy sản, khai khoáng, kinh doanh bất động sản… Cụ thể: Trong quý I/2019, tổng số việc làm đạt khoảng 54,6 triệu, tăng 60.500 người so với quý IV/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2018. Một số ngành có nhu cầu việc làm tăng so với quý IV/2018, như: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (18,4%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (5,8%); nghệ thuật, vui chơi, giải trí (8,5%). Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm, như: Nông lâm thủy sản (-0,8%); khai khoáng (-7,6%), kinh doanh bất động sản (-8%), hoạt động của tổ chức chính trị- xã hội (-2,8%); làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (-7,8%).
Theo ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, số liệu thống kê 5 năm qua (kể từ khi có Bản tin cập nhật thị trường lao động) thấy mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người, không dồi dào lực lượng lao động như ta vẫn nói. Còn nếu tính từng quý, sẽ thấy sự dịch chuyển lao động quá chậm...
Bình luận (0)