Theo quy định hiện hành tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về tiền lương của cán bộ, công chức viên chức: mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Cũng theo quy định trên, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay được tính theo công thức: Tiền lương = 1.490.000 đồng x hệ số lương
Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, hệ số lương cao nhất là dành cho công chức nhóm A3.1 bậc 6 loại A3 với hệ số lương là 8.00.
Theo hệ số lương này thì tiền lương của công chức nhóm A3.1 bậc 6 loại A3 với hệ số lương là 8.00 theo mức lương cơ sở hiện nay sẽ là 11.920.000 đồng/tháng.
Nếu như áp dụng mức lương cơ sở dự kiến tăng 1.800.000 đồng thì tiền lương của công chức nhóm A3.1 bậc 6 loại A3 với hệ số lương là 8.00 sẽ là 14.400.000 đồng/tháng, tăng 2.480.000 đồng/tháng so với hiện nay.
Hiện nay công chức nhóm C3 bậc 1 loại C có hệ số lương thấp nhất là 1.35. Theo hệ số lương này thì tiền lương của công chức nhóm C3 bậc 1 loại C với mức lương cở sở 1.490.000 đồng như hiện nay sẽ là 2.011.500 đồng/tháng.
Nếu như áp dụng mức lương cơ sở dự kiến tăng lên 1.800.000 đồng thì tiền lương của công chức nhóm C3 bậc 1 loại C sẽ là 2.430.000 đồng/tháng, tăng 418.500 đồng/tháng so với hiện nay.
Như vậy, nếu như mức lương cơ sở được tăng lên từ 1.490.000 đồng/tháng thành 1.800.000 đồng/tháng thì mức lương thấp nhất mà công chức nhận được sẽ là 2.430.000 đồng/tháng và cao nhất sẽ là 14.400.000 đồng/tháng.
Tăng lương cơ sở sẽ kéo theo mức đóng bảo hiểm xã hội thay đổi
Tiền lương, tiền phụ cấp, các khoản thu nhập khác được xem là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội. Khi tiền lương cơ sở tăng lên thì mức đóng bảo hiểm xã hội của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng tăng lên.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Mức lương; phụ cấp lương; các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo quy định, hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ lương để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Doanh nghiệp đóng theo tỷ lệ 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, người lao động đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Khi tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng thì khi đó lương người cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8%, có nghĩa khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của họ cũng tăng 20,8% so với khoản đóng trước khi tăng.
Bình luận (0)