Bao nhiêu tiền tích cóp được, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công nhân (CN) Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), đều để dành cho chồng chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Cảm thông với chị, bà Nguyễn Thị Kim Hồng - chủ khu trọ 79/4 Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - đã miễn một năm tiền thuê nhà.
Coi như người nhà
Không chỉ chị Tuyết, rất nhiều CN ở khu trọ 79/4 Trần Thanh Mại cũng được "thím Mười" (tên gọi thân mật bà Hồng) giúp đỡ.
Bà Hồng kể khi bà về làm dâu, khu nhà trọ này đã được cha mẹ chồng xây sẵn. Ban đầu chỉ là nhà lá, vách tôn, sau được nâng cấp nhà cấp 4 và nay thành 2 dãy nhà lầu khang trang. Khi cha mẹ chồng qua đời, vợ chồng bà Hồng trông coi khu nhà trọ này.
Ông Bùi Văn Thảo luôn xem công nhân ở trọ như người thân và chăm sóc hết mực
Đa số CN trọ ở đây đều làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam hoặc làm nghề tự do. Gần đây, do nhiều công ty cắt giảm lao động nên số CN ở trọ mất việc khá đông. Có người cố gắng bám trụ thành phố với những công việc thời vụ nhưng cũng có người phải trở về quê.
Lúc cao điểm, khu trọ 38 phòng của vợ chồng bà Hồng kín người thuê nhưng từ Tết đến nay thường trống 5 phòng. Trong khi các khu trọ xung quanh lấy giá thấp nhất 1,2 triệu đồng thì bà vẫn ổn định giá thuê 1-1,1 triệu đồng/phòng/tháng nhiều năm nay. Khi dịch COVID-19 xảy ra, suốt một năm, để san sẻ với CN, bà Hồng giảm mỗi phòng 300.000 đồng. Những phòng có giáo viên mầm non thuê, bà giảm hẳn 50%. Gần đây, nhiều CN mất việc, không trả được tiền thuê nhà, bà cho khất lại.
"Nhiều CN gắn bó với khu trọ trên 10 năm nên tôi coi họ như người trong nhà. Mất việc là điều không ai muốn nên tôi sẵn lòng hỗ trợ họ, của ít lòng nhiều. Tôi cũng thường động viên các cháu khi nào có việc thì hãy nghĩ đến chuyện tiền thuê phòng" - bà Hồng kể.
Chứng kiến CN lớn tuổi khó khăn khi tìm việc làm mới, bà Hồng liên hệ địa phương và các cơ sở sản xuất để họ được học nghề miễn phí hoặc lấy hàng về gia công. Tháng trước, hay tin chồng một nữ CN thuê trọ qua đời, gia đình bà về tận Vĩnh Long thăm viếng. Thấy con CN ở trọ ham học nhưng thiếu phương tiện học tập, bà đề xuất Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP HCM tặng cháu một bộ máy tính để bàn...
Nghĩa tình, thơm thảo
Một người có tấm lòng thơm thảo khác là ông Bùi Văn Thảo - chủ khu trọ 63 Nguyễn Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM.
Là chủ một công ty xây dựng, khi KCN Tân Bình đi vào hoạt động, năm 2001, ông Thảo xây nhà trọ cho CN thuê trên khu đất có sẵn. Qua nhiều năm sửa chữa, tu bổ, khu nhà trọ của ông đã có 64 phòng với hơn 100 CN thuê.
Không chỉ xây phòng ốc sạch đẹp cho CN trọ, ông Thảo còn chừa lối đi rộng rãi, bố trí nhiều cây xanh, dây leo để tạo mảng xanh. Trước tình hình trộm cắp phức tạp, ông còn đầu tư hệ thống camera, cửa khóa vân tay 2 lớp. CN ra vào khu trọ phải mở khóa bằng vân tay nên không có người lạ được ra vào.
Ông Thảo còn dành hẳn một căn phòng trong khu trọ để làm "Phòng học thắp sáng ước mơ, tri thức" với 7 bộ máy tính để bàn và nhiều sách, truyện tranh dành cho CN và con em họ học tập, giải trí. Căn phòng này lúc nào cũng mở cửa để ai cũng có thể vào.
Tùy diện tích, giá cho thuê phòng tại khu trọ ông Thảo chỉ 1,2 - 1,9 triệu đồng/phòng/tháng (các khu trọ xung quanh trên 2,5 triệu đồng/phòng/tháng). Vì thế, khu trọ của ông lúc nào cũng có người thuê kín phòng, có người ở gần 20 năm.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, ông Thảo chủ động giảm mỗi phòng 100.000 đồng rồi 500.000 đồng suốt 5 tháng liền. Ông còn liên hệ LĐLĐ quận Tân Phú và các đoàn thể, tổ chức xã hội nhờ hỗ trợ gạo, rau... rồi lái xe chở giao tận nhà trọ cho CN.
Khu trọ ông Thảo năm nào cũng làm tiệc tất niên lớn. Ban đầu, ông đài thọ 100% chi phí nhưng nhận thấy nhiều CN lơ là, không dự mà không báo, dư thức ăn rất nhiều, ông quyết định để họ cùng đóng góp. Hằng tháng, khi lấy tiền thuê nhà, ông thu thêm mỗi phòng 20.000 đồng để lo cho việc này. Cuối năm, các phòng được mời khách đến dự tất niên nên năm nào tiệc ở khu trọ ông Thảo cũng lên đến 20-23 bàn.
Bình luận (0)