Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác nắm bắt, thống kê chính xác số lượng NLĐ, người SDLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT theo quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn và chưa kịp thời. Đơn cử: Tính tuân thủ pháp luật của nhiều doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, dẫn đến một bộ phận NLĐ chưa được tham gia BHXH, BH thất nghiệp; tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với thực tế; việc thanh kiểm tra chuyên đề về BHXH chưa nhiều; việc xử phạt DN vi phạm pháp luật BHXH chưa kịp thời và chưa nghiêm túc...
Đặc biệt, tình trạng DN chưa tuân thủ đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về BHXH diễn ra phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Kết quả giám sát tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương cho thấy, số tiền nợ BHXH của các DN lên tới gần 6.000 tỉ đồng; 6/9 DN thường xuyên chậm đóng (khoảng 1- 3 tháng) với số tiền khoảng 15 tỉ đồng. Sau khi giám sát, liên ngành đã đưa ra 60 kiến nghị với các DN và cơ quan chức năng, theo đó những DN này mới khắc phục được gần 11 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, LĐLĐ các tỉnh đã nhận 1.150 hồ sơ đơn vị nợ BHXH từ cơ quan BHXH chuyển sang để thực hiện khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay mới có 11 LĐLĐ tỉnh, thành phố nộp đơn đến toà án các cấp để khởi kiện được 74 DN. Cùng với đó, các cấp Công đoàn đã gửi thông báo khởi kiện và nhắc nhở DN thực hiện nghĩa vụ đóng nộp BHXH; tuy nhiên, nhiều đơn vị mới chỉ khắc phục được một phần số tiền nợ, như: Lai Châu mới thu được 172 triệu đồng; Gia Lai 400 triệu đồng; Nam Định 1,2 tỉ đồng; Đồng Nai 1,5 tỉ đồng; Đà Nẵng 4,3 tỉ đồng. Đặc biệt, Bình Dương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở DN trả nợ BHXH và chỉ đạo Công đoàn các cấp theo dõi sát sao việc này, nên đến nay các DN đã truy nộp được 21 tỉ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và ngày càng gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu ở các DN ngoài quốc doanh. Nhận định về tình trạng nợ đóng BHXH, ông Vũ Văn Họa- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Nhiều người SDLĐ còn hạn chế về nhận thức trong việc tham gia BHXH cho NLĐ, nhất là đối với khu vực ngoài nhà nước, dẫn tới tình trạng nhiều NLĐ không được tham gia BHXH theo quy định. Tại một số tỉnh Tây Bắc, NLĐ có trình độ văn hóa thấp, phong tục tập quán, thói quen lạc hậu; hầu hết chưa am hiểu chính sách BHXH nên dễ bị chủ SDLĐ lợi dụng, trốn đóng. Trong khi đó, công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng của cơ quan BHXH chưa được thực hiện đồng bộ, cương quyết; thậm chí có trường hợp đã lập biên bản làm việc, nhưng lại chưa có giải pháp xử lý triệt để. Đặc biệt, một số sở, ngành tại địa phương cũng chưa quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thu nợ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, mà vẫn xem đó là trách nhiệm của riêng cơ quan BHXH...
Trước những vướng mắc, hạn chế trên, nhiều đại biểu đã kiến nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn các cấp Toà án về việc giải quyết những vụ kiện liên quan đến BHXH, nhất là có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH. Đồng thời, kiến nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần đưa chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BH thất nghiệp vào kế hoạch phát triển hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm của địa phương; trên cơ sở đó giao kế hoạch phát triển đối tượng cho các quận, huyện…
Kết luận tại buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề nghị các bên liên quan cần tích cực tham mưu, góp ý về việc triển khai thực hiện chính sách BHXH; phối hợp chặt chẽ trong việc thu hồi nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, theo ông Lợi, TAND Tối cao cần có giải pháp gỡ vướng, giúp các cấp CĐ thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH được hiệu quả.
Bình luận (0)