Đây là câu chuyện thực, tôi chân thành gửi đến người lao động (NLĐ) Công ty Carimax Sài Gòn với mong muốn tìm được sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu. Công ty đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn; suốt 4 năm liên tiếp, đơn đặt hàng giảm sút, gánh nặng chi phí nhân công ngày càng quá sức. Đỉnh điểm là năm 2014, công ty đứng trước bờ vực phá sản. Đầu tiên là những khó khăn nội bộ: đơn hàng giảm 50% so với trước; bộ máy cồng kềnh, dư thừa nhân viên, sản lượng thấp… Yếu tố bên ngoài là sức mua từ nước ngoài giảm do khủng hoảng kinh tế. Trước nguy cơ phá sản cận kề, công ty đang nỗ lực tìm phương án khắc phục, do đó rất cần cả hai bên hy sinh, nhượng bộ nhau.
Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém
Thời điểm này, cả công ty mẹ ở Hàn Quốc cũng đứng trước bờ vực phá sản. Chỉ tính riêng năm nay, con số lỗ tích lũy đã là 1 triệu USD. Toàn bộ ban lãnh đạo tiền nhiệm bị bãi chức, toàn công ty dồn sức chỉnh đốn nhà máy tại Việt Nam; lập kế hoạch cải tiến, giúp sức cho Carimax Sài Gòn vượt qua khó khăn. Thế nhưng, mặt trái của những cải cách, của những hy vọng thay đổi là hàng loạt vấn đề và hạn chế phát sinh. Càng theo đuổi định hướng thay đổi càng gặp những vấn đề phức tạp hơn.
Trước tiên, phải nhìn nhận rõ những yếu kém nội tại của công ty, cả người quản lý lẫn NLĐ. Đó là tiêu cực, tham ô, ngụy tạo chi phí, cố ý gây hư hỏng thành phẩm, gây mất uy tín của công ty đối với khách hàng. Sản lượng liên tục sụt giảm, một số người cố tình trì hoãn thời gian và sản lượng trong giờ hành chính để tăng ca, chất lượng luôn gặp vấn đề, tinh thần trách nhiệm kém... Những tiêu cực này ngấm ngầm tồn tại.
Phải thẳng thắn nhìn nhận thực tại nghiêm trọng đó khiến nhiều NLĐ có suy nghĩ lệch lạc về công ty, làm cho mối quan hệ giữa công ty và NLĐ càng xấu đi, gia tăng lãn công, ngừng việc. Những mâu thuẫn từ số ít ảnh hưởng đến tâm lý số đông; thậm chí nhiều công nhân (CN) bị lôi kéo ngừng việc trong khi quyền lợi của mình không hề bị xâm phạm. Mỗi ngày sau cuộc ngừng việc, CN ra về, để lại nhà máy toàn là rác thải; những nhân viên còn lại phải cùng chuyên gia nước ngoài dọn dẹp, nhặt rác… Nhìn cảnh tượng đó, tôi đã nhiều lần ứa nước mắt.
Phải hiệp lực
Giờ đây, tôi thực sự mong điều này chấm dứt. Nếu sản lượng không có, thử hỏi có thể ổn định công việc cho CN không? Những nguy cơ hiện tại và sản lượng kém như thế thì thử hỏi chúng tôi phải làm sao? Những hành động khiêu khích của một số phần tử tiêu cực thử hỏi làm sao công ty có thể nhẫn nhịn thêm được nữa? Công ty và NLĐ phải quyết liệt cùng nhau khai phá con đường mới tốt đẹp hơn, thiết lập lại mối quan hệ bền vững bởi thời gian còn lại để chúng ta tìm kiếm cơ hội hồi sinh không còn nhiều.
CN phải công tâm nhìn nhận công ty đã có nhiều thiện chí: Năm qua, dù mặt bằng chật hẹp nhưng công ty đã xây bãi giữ xe hiện đại, nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ; gắn trạm ATM trong khuôn viên nhà máy, tiếp tục đầu tư thiết bị dành cho phúc lợi CN. Bên cạnh đó, công ty còn xây phòng đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết và cập nhật kiến thức cho CN, dạy chữ để xóa mù chữ cho CN, bố trí ban quan hệ lao động làm cầu nối hỗ trợ CN, tuyển dụng quản đốc nhà máy trợ lực cho sản xuất; bổ sung NLĐ có tay nghề, kỹ thuật cao vào vị trí quan trọng trong nhà máy. Điều đó cho thấy công ty thật tâm muốn xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Bây giờ và sau này cũng vậy.
Có thể nói, công ty đã nhận thấy rõ khuyết điểm, đang cố gắng không ngừng để thay đổi và mong muốn NLĐ luôn vững niềm hy vọng. Chúng tôi yêu quý NLĐ Carimax Sài Gòn như anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, NLĐ cũng phải thay đổi cách nhìn nhận về công việc, về công ty. Tất cả phải cùng nhau hiệp lực. Những gì bất hợp lý cần được quay về sự hợp lý, công chính; công ty phải tạo hình ảnh và vị thế của một công ty chân chính, kỷ luật.
Mong công ty qua cơn bĩ cực
Tôi cũng là một thành viên của Carimax Sài Gòn. Tôi luôn mơ ước công ty thoát khỏi cơn bĩ cực hiện tại và hồi sinh. Khi đó, tôi có thể thức trắng đêm cùng các bạn để khóc, để cười, rũ bỏ hết những gian khổ... Khi đó, chúng ta có thể thỏa sức hét to lên, thậm chí buông một câu chửi thề khi nhắc lại quãng đường gian khó đã qua...
Bình luận (0)