Chuyển đổi xanh, công nghệ, chuỗi cung ứng và sự thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng được dự báo sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới. Cùng với đó, một số công việc sẵn có cũng được nâng cấp các tiêu chuẩn nghề nghiệp để bắt kịp xu hướng. Điều này mở ra không ít cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ).
Nâng mình để thích ứng
Chị Mai Như Thiên An (24 tuổi, ngụ TP HCM) hiện làm việc tại một nhà hàng cao cấp trên đường Trần Đình Xu, quận 1, TP HCM. Công việc của chị là hỗ trợ đặt món và thuyết trình món ăn (food presenter).
Bắt đầu từ vị trí nhân viên bán thời gian, sau hơn 4 tháng, chị được tuyển dụng làm nhân viên chính thức, thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng. Tùy yêu cầu của khách, chị An sẽ giới thiệu về lịch sử, xuất xứ nguyên liệu, ý nghĩa và hương vị, cảm xúc món ăn mang lại. Dù tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng - khách sạn nhưng với chị, công việc này khá mới lạ.
Theo chị An, điều quan trọng khi trình bày là phải đặt hết cảm xúc vào từng món, mang trải nghiệm ẩm thực thú vị đến cho khách. "Để có được những câu chuyện hay, lôi cuốn người nghe, tôi tự trau dồi từ ngữ, kiến thức và giọng nói. Nhờ thế, lâu dần tôi đã làm quen với công việc và được đề bạt lên làm trưởng nhóm" - chị An cho hay.
Anh Văn Phú Phương Dũng (29 tuổi, ngụ TP HCM) cũng vừa hoàn thành một khóa học ngắn hạn về trình bày món ăn (food stylist), nhằm tạo phong cách hấp dẫn cho món ăn, kích thích thị giác thực khách. Trước đó, anh từng tham gia nhiều cuộc thi nấu ăn và đoạt giải cao. Nhận thấy tầm quan trọng của hình ảnh trong việc tạo ấn tượng với thực khách, anh bắt đầu tìm hiểu về công việc "làm đẹp" cho thức ăn và hướng đến trở thành người trình bày món ăn chuyên nghiệp. "Bên cạnh kỹ năng trình bày, tôi còn được học cách sử dụng máy ảnh, xây dựng bố cục, góc chụp, cách xử lý ảnh để có những tác phẩm chất lượng cao" - anh Dũng nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ phát triển nhanh với sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến đưa đến nhiều cơ hội việc làm mới. Công nghệ không chỉ giới hạn trong ngành kinh doanh ẩm thực, đồ uống mà còn được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Các cụm từ YouTuber, Vlogger, TikToker… đang ngày càng thịnh hành. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề vốn xuất hiện từ trước ở nước ngoài cũng được du nhập vào Việt Nam và dần trở thành những lựa chọn phổ biến.
Chị Mai Như Thiên An (bìa trái) tại sự kiện “Ngành cũ - Nghề mới”, tổ chức tại quận 10, TP HCM
Tận dụng công nghệ
Ông Hồ Quốc Thông, cố vấn chiến lược cho các tập đoàn cung cấp dịch vụ nhà hàng và đồ uống, đánh giá thị trường luôn thay đổi, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, cơ hội nghề nghiệp sẽ ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Lấy dẫn chứng như sự phát triển của nghề reviewer (người đánh giá trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ), ông Thông cho rằng để đưa ra những nhận định chính xác, người đánh giá phải có kiến thức, tâm huyết, am hiểu và "độ chín" trong nghề. Dựa trên trình độ chuyên môn sẵn có, NLĐ có thể tận dụng công nghệ để học hỏi các kỹ năng bổ trợ. "Tôi xuất thân từ công việc pha chế nhưng tự học thêm kỹ năng chụp ảnh, trang trí thức ăn, thuyết trình… giúp tôi sống được bằng nghề và thích ứng với nhiều hoàn cảnh" - ông Thông bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Ngọc Thanh Dân, đại diện Công ty TNHH Nàng Thơm Communication (quận 1, TP HCM), dự đoán tương lai trong ngành truyền thông những công việc liên quan tới sáng tạo nội dung vẫn tiếp tục có chỗ đứng, bất chấp sự thịnh hành của trí tuệ nhân tạo. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân bằng việc tích lũy kiến thức và quan sát, nâng cao trải nghiệm. Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, NLĐ không chỉ tìm kiếm một nghề mà phải phấn đấu có một sự nghiệp. Nền tảng, hình thức, cách thức thể hiện có thể thay đổi nhưng tư duy và cảm xúc là điều công nghệ khó có thể thay thế.
Là đơn vị thường xuyên mở ra các khóa học về food styling (tạo mẫu ẩm thực), make-up artist (chuyên gia trang điểm), flair bartending (nghệ thuật biểu diễn pha chế), digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), bà Trần Thị Trà My, Phó Phòng Đào tạo Công ty CP Hướng nghiệp Á Âu (quận 3, TP HCM), cho biết định hướng nghề nghiệp của NLĐ đã thay đổi so với trước đây.
Ngoài trau dồi thêm kiến thức của nghề cũ, các nội dung khởi nghiệp kinh doanh cũng được người học chú ý nhiều. "Học viên khi tìm đến chúng tôi biết rõ họ muốn gì và xác định lộ trình rõ ràng. Họ quan tâm tới cơ hội phát triển và khả năng đào thải của nghề nghiệp trong tương lai. Do đó, đơn vị luôn ưu tiên những chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều nghề có tiềm năng mở rộng hoặc mới phát triển" - bà My cho hay.
Bình luận (0)