Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (SocialLife), qua khảo sát 1.200 lao động di cư ngành may mặc, da giày và điện tử tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy phần lớn lực lượng lao động trong các ngành này là lao động có kỹ năng thấp.
Chưa tiếp cận thông tin
Cụ thể, kết quả khảo sát trên cho thấy chỉ 42,8% lao động đã qua đào tạo nghề (có và không có chứng chỉ). Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề trong ngành may mặc là 48,4%, điện tử là 45,5% và da giày là 32,1%. Các loại kỹ năng và trình độ mà người lao động (NLĐ) muốn đạt được bao gồm ngoại ngữ (52,5%), kỹ năng hiện có/học qua công việc (39,3%), kỹ năng giao tiếp và quản lý (27%).
Theo ông Lộc, lao động giản đơn rất dễ bị thay thế bởi máy móc hoặc bị sa thải trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Những người tham gia khảo sát cho biết họ cũng phải đối mặt với thách thức về học phí đào tạo nghề cao tại các cơ sở đào tạo. "Đặc biệt, nhiều người cho rằng không có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo nghề miễn phí do thiếu thông tin" - ông Lộc cho hay.
Học viên học nghề miễn phí từ chương trình “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” của L’Oréal
Điển hình cho chia sẻ của ông Lộc là trường hợp của chị Nguyễn Thị Trinh (45 tuổi, quê Sóc Trăng). Gắn bó với Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) gần 20 năm, chị Trinh rất hụt hẫng khi bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Tuổi không còn trẻ, không tay nghề, không kỹ năng, chị Trinh gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới.
Chị Trinh thú thật mình chưa được đào tạo, công việc chỉ đơn giản là người trước chỉ người sau và lặp đi lặp lại một việc nên thuần thục. Cả tháng nay, chị cũng cố gắng đi làm việc nhưng đến đâu cũng thấy đăng bảng tuyển công nhân tuổi từ 18-35. "Ngày trước ở công ty cũ, thu nhập của tôi cũng được 12 triệu đồng/tháng. Nay tôi chỉ muốn tìm việc được 7-8 triệu đồng/tháng rất khó" - chị Trinh bày tỏ. Mấy đồng nghiệp trong xóm trọ khuyên chị Trinh học nghề hay buôn bán nhỏ nhưng chị còn lưỡng lự vì lo học phí cao. Để rồi mới đây, khi được tiếp cận với các thông tin về đào tạo nghề miễn phí với cơ hội có thu nhập khá, chị Trinh đã vui hẳn.
Cơ hội làm chủ
Chưa bao giờ chị Phạm Thị Tầm (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) dám nghĩ cuộc đời của mình lại bước sang một trang mới với thu nhập ổn định như hiện nay. Hoàn cảnh khó khăn, bố chị Tầm ốm đau liên miên nhiều năm nay nên mọi gánh nặng đặt lên đôi vai gầy của người mẹ trong gia đình đông con.
Không có điều kiện học hành nhiều nên chị Tầm làm đủ nghề kiếm sống, từ làm công nhân may đến đi bán trái cây dạo. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, chị Tầm cũng không biết tương lai sẽ ra sao. Chị Tầm rất muốn đi học nghề để có một công việc ổn định giúp đỡ gia đình nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp khiến ước mơ đi học nghề thật xa vời. May mắn, chị Tầm biết đến chương trình "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" của L’Oréal giúp đỡ NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt học nghề làm tóc. Chị Tầm hào hứng kể: "Tôi được học khóa thợ phụ trong 3 tháng hoàn toàn miễn phí. Hiện tại, tôi và em trai mở cửa hàng làm tóc gần nhà. Sắp tới, tôi sẽ đăng ký học thêm khóa nâng cao miễn phí của chương trình này".
Dự án đào tạo nghề tóc của L’Oréal được triển khai tại Việt Nam từ năm 2009 đã mang đến cuộc sống mới và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động khó khăn trong cả nước. Từ những phụ nữ nghèo, nạn nhân của bạo hành, hành nghề mại dâm, vừa mãn hạn tù, NLĐ thất nghiệp... được hỗ trợ đào tạo nghề tóc, có việc làm và thu nhập để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Chương trình còn đến với các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Giang và Điện Biên...
Là "kiến trúc sư" cho chương trình cộng đồng ý nghĩa này, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông đối ngoại L’Oréal, chia sẻ: "Lao động nữ từ các vùng nông thôn phải đối diện với nhiều rủi ro khi lên thành phố tìm việc. Từ thực tế ấy, tôi có ý tưởng xây dựng chương trình hỗ trợ học nghề cho đối tượng này. Ngành tóc rất phù hợp với lao động nữ, không cần quá khéo tay, chỉ cần chịu khó và chăm chỉ, người thợ tóc cũng có thể kiếm thu nhập khá".
Năm 2014, mô hình này được triển khai trên toàn thế giới. Hiện tại, có 35 nước áp dụng chương trình. Sắp tới, L’Oréal sẽ khai giảng khóa đào tạo kỹ năng bán hàng qua mạng với những chia sẻ thực tế, dễ hiểu, dễ tiếp thu và học viên được nhận tài trợ là mỹ phẩm của công ty để khởi nghiệp.
Thoát nghèo căn cơ
Cùng đào tạo nghề làm đẹp, mỗi năm, Trung tâm Kelly Pang (quận 5, TP HCM) đào tạo khoảng 900 học viên về các kỹ thuật chăm sóc móng. Trong đó, Kelly Pang tạo điều kiện cho khoảng 50 người được học miễn phí và ưu đãi học phí thuộc diện khó khăn. Bà Pang Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Kelly Pang, chia sẻ từ một nghề để kiếm sống, ngành chăm sóc móng đã được nâng tầm nó thành một ngành nghệ thuật. "Đây là một nghề vô cùng "hot" hiện nay và các học viên ở trung tâm khi tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập tốt. Với lao động có hoàn cảnh khó khăn, đây là cơ hội để họ thoát nghèo bền vững" - bà Linh cho hay.
Bình luận (0)