Tại hội nghị người lao động (NLĐ) tổ chức mới đây, khi cùng Công đoàn (CĐ) cơ sở ký vào bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với một số điều khoản cao hơn luật, ông Chen Kou Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM), bày tỏ: "Thỏa thuận tăng thêm phúc lợi, ban giám đốc mong muốn công nhân (CN) ổn định đời sống và có tích lũy. Nếu chưa hài lòng điều gì, anh em có thể đề đạt nguyện vọng thông qua CĐ cơ sở, chúng tôi sẽ xem xét, giải quyết thấu đáo".
Định hình chính sách chăm lo
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN bày tỏ phấn khởi khi chế độ đãi ngộ tại doanh nghiệp (DN) ngày càng định hình rõ nét. Có được điều ấy, ngoài thiện chí của ban giám đốc còn là nỗ lực của CĐ cơ sở.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam trao tiền hỗ trợ gia đình công nhân khó khăn
Lướt qua nội dung bản TƯLĐTT, chúng tôi thực sự ấn tượng với những nội dung có lợi cho NLĐ như: phụ cấp ưu đãi (thâm niên) thấp nhất 50.000 đồng/năm, cao nhất 500.000 đồng/năm; tiền chuyên cần (200.000 đồng/tháng/người), xăng xe, nhà trọ (200.000 đồng/tháng). Hằng năm, công ty căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ để xét thưởng (thấp nhất bằng 1 tháng lương). Chưa hết, tùy vào tình hình sản xuất, công ty sẽ phối hợp cùng CĐ tổ chức cho NLĐ nghỉ mát.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ cơ sở, cho biết: "Sau những va vấp không đáng có trong quan hệ lao động, mừng nhất là ban giám đốc luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của CĐ. Nhờ vậy, mọi gút mắc về tiền lương đều được giải quyết ổn thỏa".
Chị Võ Thị Liền, CN bộ phận hoàn thành, nhận xét: "Quan hệ lao động tại công ty chuyển biến rõ rệt nhờ đó đời sống NLĐ được chăm lo ngày càng tốt hơn. Ông chủ có tâm và CĐ năng động nên mọi khó khăn mà NLĐ đối diện luôn được sẻ chia một cách thiết thực nhất".
Tại Công ty CP Dược phẩm An Thiên (quận 8, TP HCM), thiện chí của chủ DN cùng tinh thần chịu thương, chịu khó của đội ngũ cán bộ CĐ cũng giúp đời sống NLĐ ngày càng nâng cao. Ông Lê Đình Chi, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên, bộc bạch: "Qua đối thoại định kỳ hằng quý và hội nghị NLĐ hằng năm, CĐ cơ sở và ban giám đốc sớm tìm được sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình việc làm, đời sống NLĐ. Khi thương lượng, ký kết TƯLĐTT, mục tiêu mà DN và CĐ cơ sở hướng tới là làm sao sẻ chia khó khăn với anh em CN một cách thiết thực nhất".
Chính sự đồng điệu trong suy nghĩ lẫn hành động giữa DN và CĐ cơ sở đã giúp quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT diễn ra suôn sẻ với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ, như giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ còn 44 giờ. Ngoài điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định, hằng năm, DN còn điều chỉnh lương bình quân cho NLĐ trung bình khoảng 10%-15%/; hỗ trợ bữa ăn giữa ca (20.000 đồng/suất); hỗ trợ 100% chi phí tổ chức tham quan nghỉ mát hằng năm cho NLĐ.
Xứng đáng được chăm lo
Tại Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, chuyện ông Thái Tuấn Chí, tổng giám đốc, bất ngờ xuất hiện tại các xưởng sản xuất để giám sát điều kiện làm việc, thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của CN không còn là chuyện lạ. Những lần "vi hành" này, những ý kiến đóng góp của CN được ông Chí ghi chép tỉ mỉ trong sổ tay và phối hợp với CĐ cơ sở giải quyết dứt điểm. Tinh thần cầu thị của lãnh đạo DN đã giúp gần 1.000 CN có được môi trường làm việc thoải mái và được hưởng một số chế độ đãi ngộ cao hơn luật.
Theo ông Hồ Văn Anh, Chủ tịch CĐ Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, chính sách chăm lo, đãi ngộ cho CN tại đơn vị được hoàn thiện nhờ tinh thần hợp tác và sẻ chia với tổ chức CĐ của ban giám đốc. Ngoài những chuyến "vi hành" đột xuất, lãnh đạo DN luôn lắng nghe và hồi đáp những kiến nghị của CĐ cơ sở.
"Giải quyết rốt ráo nguyện vọng CN trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ là chủ trương của DN và CĐ cơ sở. Nhờ vậy mà hai bên luôn tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến CN" - ông Hồ Văn Anh nhìn nhận. Minh chứng là việc ban giám đốc chủ động hợp tác với CĐ khi thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại DN. Thông qua việc thu thập ý kiến đóng góp của tập thể lao động, ban giám đốc và CĐ ngồi lại thảo luận tìm hướng giải quyết hợp lý qua đối thoại. Các quy chế liên quan trực tiếp đến quyền lợi CN như nâng bậc, khen thưởng, đào tạo... được niêm yết công khai để NLĐ giám sát. Gần đây nhất, tiếp thu ý kiến đóng góp của NLĐ, công ty quyết định đưa thêm một số nội dung khám sức khỏe định kỳ (trong đó có tầm soát ung thư) để sớm phát hiện bệnh cho CN, nhất là với chị em.
Những lần đi nghỉ mát định kỳ, điều gây ấn tượng với CN là ban giám đốc luôn dặn dò CĐ cơ sở phải lên kế hoạch thật chi tiết, từ địa điểm, khách sạn lưu trú đến thực đơn hằng ngày. Ưu tiên hàng đầu là CN phải được nghỉ ngơi thoải mái, an toàn và trở về làm việc với tinh thần phấn chấn. Đích thân tổng giám đốc đến tận nơi kiểm tra nơi ăn, chốn ở và cùng tham gia sinh hoạt với anh em CN để tạo sự gắn kết. Phong cách cởi mở của lãnh đạo DN và sự năng nổ của CĐ cơ sở đã giúp CN có những chuyến đi thư giãn đúng nghĩa. "Được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ nên chúng tôi vui chơi rất thoải mái, không phải lo nghĩ ngợi gì" - anh Đặng Văn Nhuận, một CN lâu năm, nhận xét.
Tổng chi phí nghỉ mát cho CN do công ty đài thọ ước tính hơn 1,6 tỉ đồng/năm. "Hợp tác với CĐ là yêu cầu sống còn của DN trong xu thế hội nhập. DN phát triển càng mạnh thì càng phải biết cách chăm lo cho NLĐ, sâu rễ thì bền gốc là vậy" - ông Thái Tuấn Chí nhìn nhận.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Đừng tính toán thiệt hơn với công nhân
Nếu coi NLĐ là vốn quý thì mỗi DN cần phải chăm lo, đãi ngộ ngày một tốt hơn cho họ và hợp tác với CĐ nên là sự lựa chọn hàng đầu. Những lúc khó khăn, nếu DN vẫn duy trì được chính sách chăm lo cho NLĐ thì càng đáng quý và điều này tác động đến suy nghĩ, hành động của NLĐ. Được đãi ngộ tốt, chắc chắn CN sẽ không có ý định rời bỏ nơi làm việc. Còn nếu tính toán thiệt hơn với NLĐ, DN sẽ gánh chịu hệ lụy khó lường.
Bình luận (0)