Tình trạng chủ doang nghiệp (DN) bỏ trốn liên tục xảy ra từ hàng chục năm nay, nhất là vào các dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, điều đáng nói, đến nay vẫn chưa có một quy trình thống nhất, một phương án hữu hiệu xử lý tình trạng này mà theo kiểu "mạnh ai nấy làm", khiến các công nhân (CN) như rơi vào "ma trận"…
Nhiều năm vẫn "treo"
Chúng tôi trở lại Công ty TNHH Pia Toàn Cầu (quận 12, TP.HCM)- một DN có chủ là ông Lee Sang Soo (quốc tịch Hàn Quốc) bỏ trốn hồi tháng 4-2014 và để lại khoản nợ lương 2,5 tỉ đồng cùng món nợ BHXH 2,8 tỉ đồng. Trước khi trốn, ông này đã xuất hết hàng hóa, tẩu tán hết tài sản, thậm chí bán hết cả… ve chai. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- chủ khu đất cho biết, sau khi đứng ra "gánh" trả giúp khoản nợ 2,5 tỉ đồng cho công nhân, ông đã lấy lại nhà xưởng cho Công ty TNHH MTV SUMIT thuê. Rất nhiều CN Công ty TNHH Pia Toàn Cầu giờ đã qua đây làm, nhưng vụ việc vẫn còn âm ỉ, bởi hằng tháng CN vẫn trông ngóng, dò hỏi thông tin về việc khi nào cơ quan chức năng mới đòi được khoản nợ BHXH để cộng nối thời gian cho họ. Chị Lan, một CN cho biết: "Thời điểm đó, Công đoàn (CĐ) đề nghị CN khởi kiện đòi lương và BHXH. Nhưng do chú Nghĩa đứng ra trả hết lương nên CN không kiện nữa. Nhưng còn khoản BHXH xử lý thế nào thì đến nay vẫn không ai hay biết...".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn). Tháng 9-2015, ông Koo Sun Heau (quốc tịch Hàn Quốc) bỏ trốn khi đang nợ lương của 1.073 CNvới số tiền 6,21 tỉ đồng, nợ BHXH từ tháng 10/2014 với số tiền hơn 13 tỉ đồng. Khi vụ việc xảy ra, CĐ cũng đứng ra đại diện CN khởi kiện; UBND TP chỉ đạo rầm rộ và các ngành chức năng nhất loạt vào cuộc… Song, đến nay, CN vẫn không rõ việc nợ đóng BHXH xử lý ra sao… Về những trường hợp như trên, bà Nguyễn Thị Thu- Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết: "Đến nay, Công ty TNHH Pia Toàn Cầu vẫn đang nợ 2,8 tỉ đồng BHXH. Còn Công ty TNHH Keo Hwa Vina còn nợ 8,9 tỉ đồng BHXH. Số nợ BHXH của 2 DN này vẫn đang hiện diện trên hệ thống thu nợ của BHXH nhưng chưa có quy định xử lý cụ thể. Trong khi đó, chủ DN đã bỏ trốn về nước, tài sản DN không còn gì…".Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều DN 100% vốn Hàn Quốc, Đài Loan khác cũng chung tình trạng này, như: Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry; Công ty TNHH Jin Sang VN; Công ty TNHH Sun Woo; Công ty Kyung Sung Vina; Công ty Magnicon…
Xử lý kiểu "Mạnh ai nấy làm"
Đáng chú ý, trước những vụ chủ DN bỏ trốn xảy ra gần đây, các cơ quan chức năng xử lý theo kiểu "mạnh ai nấy làm", chứ không có một quy trình, chuẩn mực rõ ràng. Đơn cử, khi chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (Đồng Nai) bỏ trốn, UBND tỉnh này trích ngân sách hỗ trợ trả được 50% lương, giúp CN "có cái ăn Tết"; sau đó tiếp tục trích hơn 1,4 tỉ đồng tiền ngân sách đóng BHXH để công nhân được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các cơ quan khác cũng buộc phải rốt ráo vào cuộc hỗ trợ tìm việc làm, động viên công nhân để ổn định tình hình. Tuy nhiên, không phải ở đâu, công nhân cũng may mắn được như vậy.
Vụ việc tại Công ty TNHH Pia Toàn Cầu nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm
Tại Công ty TNHH Nam Phương (Củ Chi, TP.HCM), khi CN phát hiện chủ DN bỏ trốn, rất nhiều cơ quan chức năng đã có mặt nhưng mỗi bên lại xử lý một kiểu. Anh Hùng, một CN bức xúc cho rằng, nếu các cơ quan chức năng cho niêm phong trụ sở công ty, giải quyết hỗ trợ tiền lương, BHXH cho CN thì mọi người sẽ an tâm. Đằng này, không cơ quan nào đứng ra xử lý, buộc CN phải "tự xử" bằng cách thay nhau mắc võng canh giữ số tài sản còn sót lại…
Còn ở các DN khác như: Công ty TNHH BumJin Vina, Công ty TNHH SX-XNK Hưng Phú, Công ty TNHH XNK Thời trang Thảo Trang… cũng trong tình trạng này. Chị Hương, công nhân Công ty BumJin Vina cho biết, CN quan tâm nhất là vấn đề tiền lương và BHXH. Nếu UBND hay CĐ ra cam kết, giải thích với công nhân về các giải pháp, chính sách hỗ trợ, sẽ giúp trấn an công nhân, tránh xảy ra hỗn loạn.
Khi xảy ra những vụ chủ DN bỏ trốn, phóng viên cũng từng đặt câu hỏi với lực lượng công an tại địa phương là tại sao không niêm phong nhà xưởng ngay để tránh thất thoát tài sản và dễ xử lý về sau. Tuy nhiên, đều nhận được trả lời, đại loại "chúng tôi không thể tự động can thiệp, mà phải có một cơ quan có thẩm quyền yêu cầu". Trong khi đó, hiện nay không một cơ quan nào chính danh có thể đứng ra tuyên bố đây là DN có chủ bỏ trốn, dù thực tế đã rõ ràng.
Hiện cơ sở pháp lý để xác nhận DN có chủ bỏ trốn chỉ thấy ghi nhận duy nhất tại Điểm 1, Phần III Thông tư liên tịch 06/2009/TT-BLĐTBXH-BTC. Thông tư này định nghĩa "DN có chủ bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của NLĐ và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định". Thế nhưng, hầu như chưa thấy "UBND cấp tỉnh" nào vận dụng, khiến hơn 10 năm nay, phần lớn các vụ việc vẫn bị "treo"!
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg giao UBND tỉnh, thành phố ứng ngân sách địa phương để trả lương cho NLĐ bị mất việc làm tại DN có chủ bỏ trốn. Đến ngày 24/9/2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục có văn bản số 1490/TTg-KTVX về việc hỗ trợ người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bị mất việc làm trong DN có chủ bỏ trốn. Tuy nhiên, thực tế số CN nhận được sự hỗ trợ này không nhiều, vì phụ thuộc cách giải quyết của từng địa phương hoặc tùy vụ việc "to" hay "nhỏ".
Bình luận (0)