Ngoài xây dựng thang, bảng lương “ảo” nhằm giảm nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) còn thiếu thiện chí hợp tác với tổ chức Công đoàn (CĐ) trong việc xây dựng cơ chế trả lương, trả thưởng, gây bức xúc cho người lao động (NLĐ). Đó cũng là nguyên nhân khiến quan hệ lao động căng thẳng không đáng có. Một số đại biểu dự hội nghị góp ý cho dự thảo Luật CĐ sửa đổi tổ chức tại TPHCM mới đây đã đánh giá như vậy.
“Ki bo từng đồng”
Nguyên nhân 7 vụ ngừng việc xảy ra tại các KCX-KCN TPHCM từ đầu năm đến nay đều xuất phát từ vấn đề tiền lương. Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP (Hepza), nói: “DN thiếu minh bạch trong thực hiện cơ chế trả lương; ki bo từng đồng, từng cắc khiến công nhân (CN) bức xúc dẫn đến tranh chấp”.
Lãnh đạo Công ty Hansae Việt Nam khen thưởng công nhân xuất sắc
Phổ biến nhất là tình trạng nhiều DN không xây dựng hoặc có xây dựng và đăng ký thang, bảng lương nhưng không thực hiện. Tiếp xúc với Hepza mới đây, CN một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Tân Tạo bày tỏ bức xúc: “CN có người vô trước, vô sau, vậy mà tiền lương ai cũng như nhau. Rõ ràng là o ép CN”.
Từ phản ánh của CN, qua kiểm tra, Hepza phát hiện DN có đăng ký thang, bảng lương với các quy định về bậc lương (từ bậc 1 đến bậc 10, tương ứng với mức lương cơ bản là 2.140.000 đồng đến 3.324.000 đồng). Bậc lương được tính theo thâm niên làm việc của NLĐ tại DN. Tuy nhiên, thực tế, DN chỉ trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho CN trên nền lương cơ bản là 2.140.000 đồng.
Qua khảo sát, có 160/600 DN tại các KCX-KCN TP có đăng ký thang, bảng lương nhưng không thực hiện. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngừng việc.
Cần sự quan tâm thật lòng
Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng; đời sống CN khó khăn, tinh thần căng thẳng khiến họ bị ức chế, dễ bộc phát sự phản kháng. Từ kinh nghiệm của các DN trên địa bàn, CĐ Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc Củ Chi - TPHCM) đã chủ động khảo sát thu nhập và chi tiêu của CN để nắm rõ khó khăn của họ và có cơ sở để thương lượng với DN.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: “Nếu đề nghị của CĐ cơ sở hợp lý, DN chắc chắn sẽ chấp thuận”. Tại hội nghị NLĐ mới đây, ông Park Juno, Giám đốc nhân sự Công ty Hansae Việt Nam, khẳng định: “Việc phối hợp tốt với CĐ xây dựng chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ giúp DN bình ổn quan hệ lao động. Được trả công và chăm sóc đúng mức, CN sẽ an tâm làm việc, gắn bó”.
Cũng trên tinh thần hỗ trợ DN bình ổn quan hệ lao động, CĐ Công ty Match Knit Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, huyện Bình Chánh) đặc biệt coi trọng việc theo sát đời sống CN, từ đó đề xuất DN cải thiện chế độ đãi ngộ. Ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch CĐ công ty, đúc kết: “Nếu các đề xuất xuất phát từ thực tiễn đời sống CN, CĐ và DN sẽ tìm được tiếng nói chung”.
Nhờ sự chủ động này của CĐ cơ sở, cơ chế trả lương tại DN dần hoàn thiện, tạo sự an tâm cho hơn 400 CN. Trong thỏa ước lao động tập thể vừa được ký kết, ngoài quy định việc nâng tiền thâm niên từ 3% lên 5%/năm, ban giám đốc cũng cam kết duy trì các khoản phụ cấp như nhà trọ, xăng, tiền cơm ngày chủ nhật… nhằm chia sẻ khó khăn với CN. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: CĐ chủ động, DN thực tâm Thực tế, các DN chủ động thương lượng với CĐ về chính sách lương, thưởng; ký kết thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản tiến bộ…. đều có quan hệ lao động khá ổn định. Nếu CĐ chủ động, DN thực tâm chăm sóc cho CN thì mọi vấn đề dù lớn, dù nhỏ đều cũng sẽ giải quyết ổn thỏa. |
Bình luận (0)