Trong Báo cáo Khuyến nghị mức lương tối thiểu (LTT) năm 2021, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, giai đoạn từ năm 2008 - 2020, tốc độ tăng bình quân lương tối thiểu (LTT) là 15,5%/năm, trong đó, doanh nghiệp (DN) trong nước tăng bình quân năm là 18,24% và doanh nghiệp (DN) FDI là 12,79%...
Phân tích về mức độ điều chỉnh và đáp ứng mức sống tối thiểu của LTT hiện hành, Hội đồng Tiền lương cho thấy: Mức tăng hằng năm cao hơn 2 lần mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm là 4,31%.
Mức LTT vùng 2020 (được đề xuất từ năm 2019) bình quân đã bảo đảm cao hơn 1,51% so với mức sống tối thiểu năm 2020, gồm vượt theo CPI thực tế 2019 là 1,21% và theo dự kiến ban đầu 0,3%.
Hiện, chủ trương chung của Chính phủ thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi phục hồi kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp (DN), đảm bảo việc làm cho người lao động khi ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ 3 gói hỗ trợ lớn về chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, tiền thuê đất,... số tiền gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 180.000 tỉ đồng, số tiền miễn, giảm phí, lệ phí khoảng 40.000 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỉ đồng);
Đồng thời, Chính phủ ban hành chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng), trong đó có những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người lao động (NLĐ) không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương ngừng việc, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính như: Giãn nộp bảo hiểm xã hội, chi phí Công đoàn (đến ngày 22-6-2020, có 1.488 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 124.668 người lao động, với tổng kinh phí gần 447,7 tỉ đồng). Vì vậy, chính sách tiền LTT cần phải đặt trong yêu cầu chung về hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc làm cho NLĐ và hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ NLĐ
Hội đồng tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) vừa có văn bản xin ý kiến các thành viên về dự thảo báo cáo khuyến nghị Chính phủ áp dụng phương án triển khai LTT vùng năm 2021. Theo đó, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021), sau khi đánh giá, phân tích tình hình dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng kinh tế-xã hội, sản xuất DN, việc làm, đời sống NLĐ và trên cơ sở thương lượng, HĐTLQG khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền LTT vùng áp dụng với NLĐ trong các DN trong năm 2021 như sau: Tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 việc áp dụng mức lương tối thiểu (LTT) theo tháng như hiện hành, chưa điều chỉnh LTTV đã được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Đồng thời, dự thảo khuyến nghị cũng đề xuất chưa ban hành mức LTT vùng theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức LTT theo tháng. Đề xuất này dựa trên kết quả bỏ phiếu của các thành viên HĐTLQG hôm 5.8, với tỉ lệ 9/13 thành viên tham gia bỏ phiếu, đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam không tham gia bỏ phiếu.
Ngoài ra, đề xuất cũng được căn cứ trên tình hình thực tế từ tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tới đời sống của DN và NLĐ.
Trong dự thảo, HĐTLQG cũng phân tích rõ những ưu và nhược điểm. Về ưu điểm, đề xuất thể hiện được rõ ràng, ổn định để DN chủ động sắp xếp, ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm cho NLĐ trong bối cảnh trong nước và quốc tế bị tác động sâu từ đại dịch COVID-19, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nước lớn.
NLĐ, DN và nhà nước cũng góp phần chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho NLĐ theo Nghị quyết của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi do ảnh hưởng dịch COVID-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức LTT để duy trì sản xuất, việc làm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng tạo thuận lợi cho NLĐ có cơ hội giữ được việc làm hoặc đang mất việc làm có cơ hội sớm quay lại thị trường lao động. Đảm bảo được tính thống nhất trong chủ trương chung của Chính phủ trong việc thực hiện tổng thể giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ. Cùng với đó, đồng bộ trong lộ trình cải cách tiền lương giữa các khu vực theo tinh thần Nghị số 27-NQ/TW.
Đồng thời, dự thảo cũng đề cập hạn chế của đề xuất là trong ngắn hạn, nếu chỉ số giá tiêu dùng của năm 2021 lên cao (trên 2,5 %) thì tiền LTT thực tế sẽ bị giảm so với mức sống tối thiểu.
Bình luận (0)