Sáng 14-6, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã diễn ra phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2020, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Đây là cuộc đàm phán giữa Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện người sử dụng lao động) và sự điều hành của cơ quan quản lý là Bộ LĐ-TB-XH.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2020
Như thường lệ, cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia là họp kín, không có sự tham dự của báo chí.
Qua các năm đàm phán về tiền lương tối thiểu, chưa có tiền lệ các bên sẽ chốt được phương án trong 1 lần đàm phán mà thường phải trải qua 3 phiên.
Phát biểu khai mạc phiên đàm phán đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết mong muốn năm nay sẽ kết thúc việc đàm phán tiền lương vào tháng 7-2019. "Hôm nay, chúng ta khởi động, bộ phận kỹ thuật, bộ phận giúp việc hội đồng, thành viên đến từ 3 khối nhà nước, nguời lao động, chủ sử dụng lao động đã có nghiên cứu kỹ lương, phối hợp cung cấp số liệu, tìm phương án kỹ thuật làm cơ sở thống nhất mức lương tối thiểu vùng năm 2020" - ông Diệp bày tỏ.
Video clip cuộc họp
Trao đổi với báo chí trước khi phiên họp bắt đầu, ông Lê Đình Quảng - thành viên Hội đồng Tiền ương quốc gia, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết kết quả đàm phán lương tối thiểu 2018 đã giúp tăng lương tối thiểu năm 2019 đạt khoảng 95 % mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo ông Lê Đình Quảng, mục tiêu đưa mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu giờ đã được quy định rõ trong Nghị quyết 27/NQ-T.Ư. "Bức tranh kinh tế của năm 2019 thuận lợi cho việc tăng lương tối thiểu 2020" - ông Quảng bày tỏ.
Như vậy, việc cần làm là "lấp đầy" khoảng trống chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Đây là kỳ vọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại mùa đàm phán lương tối thiểu 2020.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, điểm mấu chốt trong việc xác định đàm phán năm nay là việc xác định tỉ lệ nhu cầu lương thực và phi lương thực trong "giỏ" mức sống tối thiểu của người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam có 2 cách tính khác với bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Theo đó, phương án 1 xác định tỉ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 48/52 - tương ứng với tỉ lệ của Philippines, tương ứng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 7,06%. Phương án 2, tỉ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 46,5/53,5, tương ứng với mức tăng 8%.
Dự đoán của ông Lê Đình Quảng, phiên đàm phán sẽ cam go bởi quan điểm trái chiều của các bên, bởi từ nhiều năm nay, việc đàm phán lương chưa bao giờ có sự dễ dàng trong thoả hiệp giữa các bên.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra quan điểm điều chỉnh tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2020. "Hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020" - ông Phòng cho biết.
Theo vị phó chủ tịch VCCI, về cơ bản các DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng là 5,3%, cụ thể: 72,5% DN đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% DN tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động.
"Trong khi đó, tăng lương tối thiểu lại làm tăng các chi phí của DN trong bối cảnh đang cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh. Qua 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 54.000 DN được thành lập mới thì có tới trên 20.000 DN "thoát ly" khỏi thị trường, trong đó có 7.000 DN đã hoàn thành xong thủ tục giải thể" - ông Phòng nói.
Bình luận (0)