Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng chủ trì buổi làm việc- Ảnh: Văn Duẩn
Sáng 25-9, tại trụ sở Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chính phủ tổ chức buổi làm việc về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng chủ trì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc phát biểu tại buổi làm việc- Video: Văn Duẩn
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, nhấn mạnh Tổng LĐLĐ Việt Nam và các Bộ, Ngành tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người lao động. Nhiều ý kiến của tổ chức Công đoàn đã được các cơ quan chủ trì, soạn thảo xem xét nghiên cứu tiếp thu, một số nội dung như: Đề xuất nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn năm 2012 (sửa đổi); tham gia xây dựng các Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, chính sách Bảo hiểm xã hội...
Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia tích cực và chủ động với vai trò thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng năm 2020. Qua đàm phán, thương lượng, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất tham vấn đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%. Mặc dù mức tăng này chưa đạt so với nhu cầu của người lao động nhưng với trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, Tổng Liên đoàn đã đồng tình để báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu- Ảnh: Văn Duẩn
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành, cấp ủy địa phương đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Năm 2018, 2019, nhân dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, động viên người lao động phát huy khả năng sáng tạo, nỗ lực cống hiến, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Các hoạt động phối hợp, chăm lo, cải thiện đời sống người lao động được các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn tích cực thực hiện. Hoạt động thăm, chúc Tết và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp đẩy mạnh việc chăm lo cho người lao động.
Chương trình Tết Sum vầy là hoạt động sáng tạo, ý nghĩa, được tổ chức tại nhiều điểm, nhiều cấp, nhất là tại cơ sở, trở thành ngày hội thực sự của đoàn viên, người lao động, thông qua chương trình đã chăm lo, thu hút trên 510.728 đoàn viên, người lao động tham gia tăng 48,7% so với năm 2018. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã có 4.605.280 lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ Tết với tổng số tiền trên 3.024 tỷ đồng (tăng 1.514.757 lượt người và 98.852 tỷ đồng so với năm 2018) .
Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" theo Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xúc tiến ở các địa phương tập trung đông công nhân, lao động. Tổng Liên đoàn đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, thành phố để thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế Công đoàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại tỉnh Hà Nam, dự kiến trong quý IV-2019 sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân, lao động.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt chủ đề hoạt động công đoàn năm 2019 "Vì lợi ích đoàn viên công đoàn", chương trình "Phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động". Tổng Liên đoàn đã ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức chương trình Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình năm 2019; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, người lao động có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác với các ưu đãi, thiết thực chăm lo đời sống đoàn viên, góp phần thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, các cấp công đoàn ký mới 658 thỏa thuận hợp tác, tổng số đoàn viên được hưởng lợi là gần 2,8 triệu lượt người với số tiền ước khoảng trên 563 tỷ đồng. Có thêm 436 công đoàn cơ sở chủ động đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng và cao hơn 15.000 đồng, mang lại lợi ích cho 184.353 người lao động.
Chương trình "Mái ấm công đoàn" tiếp tục đạt kết quả, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.000 căn nhà giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống. Hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, các hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn, hoạt động cho vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ trợ vốn cho công nhân, lao động nghèo được quan tâm duy trì. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Chính phủ...
9 kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam
Tại buổi làm việc, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có nhiều kến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn có xu hướng tăng, dẫn đến việc nợ lương, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thì quyền ưu tiên của người lao động không được đảm bảo. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật phá sản doanh nghiệp và Bộ luật lao động.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố "mức sống tối thiểu" của người lao động và gia đình họ", tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2025". Đề án "Xây dựng đời sống văn hoá công nhân tại các khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030".
Tổng LĐLĐ Việt Nam đang trình Ban Bí thư "Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sơ vật chất hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức Công đoàn phục vụ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" tại tờ trình số 869/TTr-TLĐ ngày 13/6/2019. Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Cục thống kê và các bộ, ngành liên quan kiểm kê toàn bộ cơ sở vật chất các đơn vị kinh tế, sự nghiệp của tổ chức Công đoàn để xây dựng chiến lược kinh doanh, hoạt động có hiệu quả.
Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm lắng nghe, tập hợp ý kiến từ đại diện người lao động trực tiếp để Bộ luật đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, khả thi và tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực thi luật.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động phải đi làm vào giờ hành chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào điều kiện hiện có về nhân lực, cơ sở vật chất để phối hợp với ngành BHXH thực hiện triển khai khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì hoặc phân công một Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp (do Tổng Liên đoàn tổ chức và chuẩn bị nội dung) với các Bộ, Ngành để giải quyết các vướng mắc khó khăn về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX" đã được tổng kết tại dự án thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam và kết quả làm việc với các Bộ, ngành Trung ương.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam từ 1.000 tỉ đồng đến 2.000 tỉ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của Công đoàn. Ưu tiên bố trí vốn thuộc kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để Tổng Liên đoàn sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bình luận (0)