Tại quyết định giải quyết khiếu nại ban hành ngày 28-3-2023, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM kết luận bà Đỗ Minh Châu khiếu nại việc Công ty TNHH European Eye Center (TP Thủ Đức, TP HCM) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) là đúng. Do vậy, công ty phải thực hiện nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với bà Châu theo điều 41 Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, công ty này vẫn chây ì, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động (NLĐ).
Thiếu thiện chí
Trước đó, bà Châu và công ty đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, từ ngày 1-8-2022, với chức danh quản lý phòng khám - phiên dịch tiếng Nhật. Trong các ngày 13 và 14-9-2022, bà Châu có nhắn tin cho quản lý văn phòng và giám đốc công ty chia sẻ ý định muốn nghỉ việc.
Sau đó, được giám đốc động viên, bà Châu từ bỏ ý định nghỉ việc và quyết định tiếp tục gắn bó với công ty. Tuy nhiên, ngày 26-9, bà Châu bất ngờ nhận được quyết định kết thúc HĐLĐ với lý do "người sử dụng lao động cảm thấy công việc không phù hợp với chị Châu và thỏa thuận giữa hai bên". Ngày hiệu lực cuối cùng của HĐLĐ là 23-9-2022.
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM tư vấn pháp luật cho người lao động
Không đồng tình với quyết định này, bà Châu đã gửi đơn khiếu nại đến công ty nhưng không được giải quyết. Sau đó, bà Châu đã khiếu nại về hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty đến Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM. Tại buổi đối thoại do Thanh tra sở tổ chức, đại diện công ty cho rằng giữa công ty và bà Châu có thỏa thuận bằng tin nhắn Zalo, email, nên việc bà Châu nghỉ việc là thỏa thuận theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 35 Bộ Luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ.
Từ kết quả xác minh và đối thoại, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH kết luận khiếu nại của bà Châu là có cơ sở. Cụ thể, HĐLĐ giữa bà Châu và công ty có thời hạn từ ngày 1-8-2022 đến 1-8-2023 nhưng quyết định kết thúc HĐLĐ ghi ngày hiệu lực cuối cùng của HĐLĐ là 23-9-2022 là không đúng. Công ty nêu lý do kết thúc HĐLĐ với bà Châu là do công việc không phù hợp nhưng không chứng minh được công ty có tiêu chí, quy chế, quy định để đánh giá.
Bên cạnh đó, bà Châu cũng không có văn bản thông báo gửi đến công ty về việc chấm dứt HĐLĐ cũng như công ty không cung cấp được văn bản thỏa thuận việc chấm dứt HĐLĐ giữa hai bên nên việc công ty cho rằng có sự thỏa thuận là không đủ cơ sở. "Sau khi có quyết định của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH, tôi nghĩ công ty sẽ có thiện chí sửa sai nên kiên nhẫn chờ đợi sự phản hồi. Song, sự im lặng của công ty suốt mấy tháng qua khiến tôi thật sự thất vọng" - bà Châu nói.
"Treo" quyền lợi người lao động
Đột ngột mất việc khi Công ty TNHH Cấu trúc Bách mộc Thiên nhiên (quận Phú Nhuận, TP HCM) thông báo đóng cửa trụ sở tại TP HCM từ ngày 5-11 nhưng đến nay NLĐ chưa biết khi nào mới được thanh toán tiền lương tháng 9 và 10-2023, chốt và trả sổ BHXH.
Theo phản ánh của các nhân viên, trong cuộc họp ngày 22-9-2023, ông Teraoka Yukio, giám đốc công ty, thông báo do gặp khó khăn về tài chính, công ty quyết định đóng cửa trụ sở chính tại TP HCM và dời về Đà Nẵng. NLĐ đang làm việc tại công ty sẽ có 2 lựa chọn: chuyển đến làm việc tại Đà Nẵng nhưng ký lại HĐLĐ mới và mức lương sẽ giảm so với hiện tại; tự nộp đơn xin nghỉ việc trước cuối tháng 10-2023. Trong tháng 10-2023, công ty không yêu cầu NLĐ đến làm việc nhưng vẫn trả lương.
Qua buổi đối thoại với công ty sau đó, một số nhân viên đồng ý chuyển ra Đà Nẵng làm việc kèm theo điều kiện không giảm lương nhưng công ty không chấp thuận. Ngày 5-10, công ty đề xuất thêm một phương án là những lao động không đồng ý chuyển ra Đà Nẵng có thể nộp đơn xin thôi việc, sau đó ký hợp đồng dịch vụ cộng tác viên với Công ty TNHH N.B (đơn vị góp vốn với công ty), lương sẽ được trả bằng hoặc cao hơn hiện tại. Nhưng một số nhân viên không đồng thuận với các phương án công ty đưa ra.
Đến ngày 7-10, công ty thông báo cho những nhân viên không đồng ý nộp đơn thôi việc ngừng làm việc và bàn giao công việc cho những người đã ký hợp đồng cộng tác viên với Công ty TNHH N.B. Khi NLĐ hỏi về thời gian được giao lại việc thì công ty trả lời là "không có thời hạn". Công ty cũng không ra quyết định thôi việc và đề cập thời hạn giải quyết tiền lương, BHXH, tiền quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018, 2019 cho nhân viên.
Trong thông báo về việc chậm thanh toán tiền lương tháng 9-2023 vào chiều 7-10, công ty chỉ nêu do hoạt động kinh doanh rất khó khăn có thể dẫn đến phải thực hiện thủ tục phá sản nên tiền lương của nhân viên sẽ được thanh toán đầy đủ theo quy định pháp luật khi có nguồn tài chính hoặc được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. "Lời hứa hẹn chung chung cộng với việc công ty đã trả văn phòng thuê nên chúng tôi không biết khi nào và phải đến đâu mới đòi quyền lợi" - chị Nguyễn Bảo Trâm, một nhân viên, nói.
Lưu ý thời hiệu thực hiện thủ tục hòa giải
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, điều 188 Bộ Luật Lao động quy định đối với tranh chấp lao động cá nhân liên quan tiền lương của NLĐ phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.
Đối với tranh chấp về bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, BHXH thì NLĐ có thể yêu cầu tòa án giải quyết mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hiệu thực hiện thủ tục hòa giải và khởi kiện. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng; thời hiệu yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 9 tháng; thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là một năm kể từ ngày phát hiện hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Bình luận (0)