Sáng 19-8, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu".
Ở ngay trong bệnh viện để cứu bệnh nhân
Mở đầu buổi tọa đàm, từ đầu cầu TP HCM, ThS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm. Những ngày qua, với xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới/ngày, tập trung chủ yếu ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế. "Các bệnh viện, trường ĐH tập trung rất nhiều lực lượng, các bạn sinh viên tình nguyện... để sẵn sàng xung phong chống dịch thời điểm này. Chúng tôi rất cảm động!" - bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Khoa nói.
Theo BS Khoa, các y - BS, sinh viên y tế rất vất vả trong 3 tháng qua, từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Vất vả nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, chủ yếu là sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12 giờ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của các y - BS, nhân viên y tế. Các y - BS ở tâm dịch cũng phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn. Ngoài áp lực nói trên, áp lực khác nữa là tốc độ tử vong trong đợt dịch này rất cao. "Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu thiếu nhân viên y tế. Các y - BS đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân" - PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 Phú Nhuận số 1 (TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN
Tâm lý nặng nề đè nặng lên y - BS, đặc biệt khi có đồng nghiệp hy sinh. Trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là BS chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với khẩu vị trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các BS phải nằm nghỉ tại khu vực trực. "Đến ngày 19-8, đã có 2.380 hồ sơ cán bộ y tế dương tính được cập nhật. Mới đây nhất, có một số cán bộ y tế không qua khỏi"- Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam ngậm ngùi.
BS CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, người được Bộ Y tế cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long - chia sẻ: Khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt BS hồi sức cấp cứu. Nhiều BS hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân nặng, BS khác không thể thay thế BS hồi sức cấp cứu được. "Khi chúng tôi sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn, nhiều y - BS đã từ chối, xin ở trong bệnh viện để có thể ngay lập tức cứu bệnh nhân. Đó là sự hy sinh rất lớn của họ" - BS Nguyễn Trung Cấp nói.
Nhiều hỗ trợ để các y - bác sĩ yên tâm công tác
BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng khi lên đường, các y - BS đều đi với một tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Họ chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, gửi tặng lực lượng nhân viên y tế nhưng có nhiều trang thiết bị không bảo đảm. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng nhà hảo tâm, thậm chí cả những nhân viên y tế mới nhiều khi vẫn mua và sử dụng nhầm đồ nhái, rất khó phân biệt.
"Phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Đây là mối đe dọa rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu" - BS Nguyễn Trung Cấp đề nghị.
Nhấn mạnh việc chăm sóc cho nhân viên y tế là rất cần thiết, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận trung ương, kiến nghị cần phải có chính sách để chăm sóc và hỗ trợ cho nhân viên y tế ở vùng dịch và tâm dịch. Đó có thể là hỗ trợ về phụ cấp độc hại, phụ cấp làm ngoài giờ... Ngoài ra, việc có thêm phụ cấp cho anh em nhân viên y tế ở tại vùng dịch sẽ giúp họ yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch".
BS Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh trong thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng. Ngay khi các bệnh viện cơ sở dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc bảo đảm khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình 1 chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Ngoài ra, số lượng cán bộ, nhân viên y tế cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. "Gần đây, có 1 trường hợp nhân viên y tế ở tỉnh Bình Dương, 2 trường hợp ở TP HCM tử vong. Chúng tôi rất đau lòng, dù so với tỉ lệ chung là thấp. Chính sách ưu tiên người nhà, người thân nhân viên y tế để y - BS yên tâm công tác là điều vô cùng cần thiết"- ông Khoa bày tỏ.
Chăm lo chu đáo
Bày tỏ sự cảm phục đối với đội ngũ y - BS, những người đang bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng này vì họ đang đối mặt với nhiều hiểm nguy. Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định hỗ trợ thêm các bữa ăn cho y - BS, dự kiến 20 ngày, mức 1 triệu đồng/người. Đồng thời, đồng ý để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm các y - BS tuyến đầu mỗi người 2 triệu đồng. "Cuộc chiến chống Covid-19 có thể kéo dài, vì vậy, chúng tôi mong các y - BS giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần. Tổ chức Công đoàn tiếp tục lắng nghe các đề xuất và sẽ nghiên cứu, báo cáo để trình cấp có thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho các nhân viên y tế tử vong khi tham gia chống dịch" - ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu.
Bình luận (0)