Chúng tôi đang muốn nhắc đến những kỹ sư điện yêu nghề, biết biến khó khăn thành hành động, luôn tìm tòi sáng tạo, cải tiến làm lợi cho nhà nước hàng chục tỉ đồng. Quan trọng hơn, họ giúp tiết kiệm nhiều thời gian thi công cũng như giúp cho công việc của người lao động (NLĐ) được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Cứ khó là ló cái khôn
Chúng tôi tìm gặp anh Bùi Đức Thịnh, Phó Phòng Đầu tư xây dựng Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia - Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), khi anh đang tập trung sức lực cho một dự án trọng điểm của công ty.
Thịnh cho biết trong nghề của anh, thời gian là kim cương bởi công việc đang làm có liên quan đến thay thế, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục máy móc truyền tải điện. Ưu tiên hàng đầu của các kỹ sư và công nhân (CN) là bảo đảm thời gian nhanh chóng nhất để việc cung cấp điện sản xuất, sinh hoạt không bị gián đoạn lâu. Vì thế với anh, tiết kiệm thời gian, kinh phí, bảo đảm an toàn và chất lượng là những nhiệm vụ hàng đầu. "Công việc nào cũng vậy, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng với tôi, cứ khó là ló cái khôn. Ý thức được áp lực công việc mà anh em thi công phải gánh chịu nên tôi chỉ mong làm sao về đích trước thời hạn đề ra nhưng phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm" - anh Thịnh chia sẻ.
Kỹ sư Bùi Đức Thịnh (đứng thứ 3, từ phải qua) giám sát thao tác đóng điện tại máy biến áp 500 KV - 900 MVA trạm 500 KV Tân Định
Từ trăn trở ấy, người kỹ sư đầy nhiệt huyết này đã có nhiều sáng kiến cải tiến làm lợi cho nhà nước hàng chục tỉ đồng, điển hình như dự án (DA) thay máy biến áp 500 KV (thuộc trạm biến áp 500 KV Phú Lâm). Với giải pháp "Đúc trước 2/3 số lượng đoạn cọc bê-tông cốt thép đại trà ngay sau khi ép cọc thử", anh Thịnh đã giúp rút ngắn thời gian thi công toàn dự án sớm hơn 3 tháng, làm lợi cho EVN hơn 50 tỉ đồng. Không những thế, ngay sau khi đóng điện các máy biến áp, công suất trạm biến áp 500 KV Phú Lâm tăng lên đáng kể, giải quyết tình trạng quá tải, góp phần bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và khu vực lân cận.
Với anh Thịnh, thách thức trong công việc không làm anh thấy áp lực, trái lại đó là nguồn động lực để tìm tòi, sáng tạo. "Công việc nào cũng vậy, nếu cứ lặp đi lặp lại hoài sẽ gây nhàm chán. Nếu chịu khó học hỏi, không ngừng sáng tạo, bạn sẽ thấy công việc mình đang làm còn nhiều điều mới mẻ, càng khám phá càng thấy hay. Sáng tạo trong công việc là cách để mình yêu công việc của mình hơn" - anh Thịnh nói thêm. Bởi đặc thù công việc, anh thường xuyên phải vắng nhà dài ngày, thời gian dành cho gia đình không được nhiều nhưng vợ con luôn dành cho anh sự động viên bởi họ hiểu công việc mà anh đã gắn bó 23 năm qua. Với anh, gia đình là hậu phương vững chắc để có thêm động lực làm việc.
Sáng tạo không có điểm dừng
Đó là công việc của anh Đỗ Tiến Trung, kỹ sư an toàn chuyên trách Công ty Điện lực Hóc Môn. Nhiệm vụ chính của anh Trung là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho anh em thi công, bảo trì, vận hành ngoài hiện trường.
Hành trình 17 năm anh Trung đến với nghề điện là vượt qua hàng trăm khó khăn, thách thức, gian truân không chỉ trong công việc mà còn trên đường học vấn. Để có được như ngày nay, anh bắt đầu với vị trí CN vận hành điện. Sau đó, anh vừa đi học vừa làm để lấy được bằng trung cấp điện. Nhận thấy cần phải nâng cao trình độ, anh tiếp tục đăng ký học lên đại học. Anh nói rằng mình truân chuyên đường học hành nên phải phấn đấu hết sức có thể trong công việc. Đó có thể là nguyên nhân khiến anh Trung luôn sáng tạo trong công việc để rồi sở hữu nhiều sáng kiến cải tiến được đánh giá cao.
Kỹ sư Đỗ Tiến Trung (bên trái) đang kiểm tra an toàn tại hiện trường
"Tôi đến với ngành điện từ khi còn rất trẻ và xuất phát điểm từ CN nên tôi được trải nghiệm thực tế rất nhiều năm. Do đó tôi nhận thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn của nghề. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra rủi ro lớn nên khi nhận nhiệm vụ kỹ sư an toàn chuyên trách, tôi khá lo lắng về nhiệm vụ mới này" - anh Trung bộc bạch.
Luôn trăn trở với công việc nên những sáng kiến cải tiến của anh cũng xoay quanh câu chuyện an toàn. Sáng kiến "Lắp nắp bịt đầu ống PVC 114 để chống chạm chập cáp xuất gây sự cố lưới điện do động vật bò vào cắn phá" là một ví dụ. Đây là sáng kiến giúp ngành điện TP tiết kiệm được gần 2 tỉ đồng mỗi năm nhưng quan trọng hơn là hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong vận hành lưới điện. Hay như sáng kiến mà anh cho là rất nhỏ nhưng cảm thấy vui nhất là "Thiết kế bộ khung định vị sẵn cho Circuit Breaker (CB) để thay thế cầu dao hạ thế khi bị sự cố". Áp dụng sáng kiến này đã giúp giảm thời gian mất điện của khách hàng, giảm khối lượng nhân công phải thực hiện, giúp cung cấp điện ổn định và liên tục, tăng cường khả năng an toàn cho CN khi thao tác và vận hành lưới điện...
Bình luận (0)