Ngày 29-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi.
Lỗi do quản lý kém
Đa số ĐB cho rằng dự án luật chưa thật sự hướng đến lợi ích của người dân vì chỉ tập trung giải quyết tình trạng mất cân đối của quỹ hưu trí.
ĐB Nguyễn Văn Hưng (TP HCM) cho rằng cách tính lương hưu như đề xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng. “Đáng ra, lương hưu phải ngày càng cải thiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đằng này, tính như dự thảo thì lại giảm mạnh so với hiện tại. Cần giữ nguyên như hiện nay” - ĐB Hưng góp ý.
Phản ánh bộ máy hành chính ngày càng phình ra trong khi năng suất lao động không tăng, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) khẳng định muốn không vỡ quỹ phải sửa từ gốc chứ không chỉ đơn giản là thay cách tính lương hưu và kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Nhiều ĐBQH cũng cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm này là bất hợp lý bởi số lao động thất nghiệp trẻ đang tăng. ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) lo ngại việc đề xuất nới tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo sẽ gây khó khăn khi giải quyết biên chế cho người lao động, dẫn đến nguồn nhân lực trẻ không có cơ hội để thay thế.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất nên xem xét việc kéo dài tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh Việt Nam đang thừa lao động bởi kéo dài thêm tuổi đồng nghĩa sẽ hạn chế sự phát triển của thế hệ trẻ, có tài năng hơn.
Trong khi đó, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận định lấy lý do vỡ quỹ để tăng tuổi nghỉ hưu là vô lý. Bởi quỹ vỡ là do không thu được tiền BHXH của hàng triệu lao động và hàng chục ngàn tỉ đồng nợ đọng. “Tiền bảo hiểm không thu được thì lỗi tại ai? Để không vỡ quỹ có nhiều giải pháp chứ không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu” - ĐB Minh bức xúc.
Cùng quan điểm, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) băn khoăn: “Tôi hay bất cứ ĐBQH nào cũng thế thôi, mấy hôm nữa tôi nghỉ hưu mà lương hưu chỉ bằng 50% hiện nay thì tôi không chịu. Tôi hỏi nhiều nhà khoa học thì họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 sẽ vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy?”.
Theo ĐB Ánh, vỡ quỹ BHXH hay không đều do quản lý. Hiện nay, tình trạng nợ BHXH rất nhiều trong khi chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm cũng lớn dẫn tới thâm hụt.
Làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính đến cuối năm 2013, số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH bắt buộc là 4.752 tỉ đồng (chiếm 4,3% tổng số phải thu). BHXH các địa phương đã khởi kiện 2.463 đơn vị nợ BHXH với tiền nợ 1.248 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền nợ thu hồi được còn rất thấp, chưa đến 29% số nợ bị khởi kiện.
Trước thực trạng này, ĐB Nguyễn Văn Hưng bức xúc: BHXH dùng tiền của người lao động cả nước đóng góp để cho công ty cho thuê tài chính vay, dẫn tới thất thoát cả ngàn tỉ đồng nhưng đến nay không giải trình rõ trách nhiệm thuộc về ai. Luật sửa đổi lần này cũng không nói rõ lấy tiền đâu để bù lại số tiền này. Cử tri đang rất bức xúc về chuyện này và đề nghị phải làm rõ trong luật.
Đồng tình, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng BHXH là cơ quan sự nghiệp nhưng lại được quyền lấy tiền người lao động đóng góp để chi cho việc khác thì cần phải xem lại. “Tôi thấy có những thay đổi trong dự thảo luật còn gây băn khoăn. Ban soạn thảo lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng” - ông Hải nói.
ĐB Lê Hiền Vân kiến nghị luật cần có quy định chặt chẽ để quản lý quỹ BHXH, tránh tình trạng thất thu, đồng thời có chế tài nghiêm minh với những cơ quan sử dụng nguồn quỹ kém hiệu quả, sai mục đích. Như vậy mới bảo đảm vấn đề an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh ở các nước, quỹ BHXH là một nguồn lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế. Chính vì thế, quy chế quản lý quỹ BHXH phải làm sao để trở thành một kênh tạo vốn cho nền kinh tế.
ĐB Trương Thị Mai (Lâm Đồng) đề xuất để giải quyết bài toán thu chi, ngoài việc nâng thời gian đóng BHXH, thu đủ, giám sát chặt những đối tượng trốn đóng thì cần phải tăng chế tài xử phạt (vừa hành chính vừa hình sự) và giám đốc doanh nghiệp sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Đi chậm, ăn nhanh, nói nhiều...
Thảo luận về dự Luật Dạy nghề, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) khẳng định Việt Nam đang cần một đội ngũ công nhân lành nghề, đội ngũ công chức “tinh và giỏi”. “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết nhưng giờ lao động của ta chất lượng quá thấp. Trường ĐH dân lập mọc lên như nấm nhưng hệ ĐH lại chủ yếu đào tạo lý thuyết, nhất là các ngành khoa học xã hội. Đó là lý do vì sao hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp, phải trở lại học nghề. Đó là một sự lãng phí nguồn nhân lực, hướng đào tạo không rõ” - ĐB Đương nói.
Cũng theo ĐB Đương, đạo đức nghề nghiệp, tác phong nghề nghiệp của đội ngũ công chức hiện nay rất yếu. “Đi chậm, ăn nhanh, nói nhiều là bệnh của công chức; vào làm việc thì năng suất không cao. Đã tới lúc phải sửa đổi cơ bản toàn diện Luật Dạy nghề. Đây thực chất là Luật Giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề thì chính xác hơn” - ĐB Đương bày tỏ.
Bình luận (0)