“Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi thường liên hệ ứng viên hẹn phỏng vấn. Thế nhưng, đã nhiều lần chúng tôi bị ứng viên cho “leo cây” vì họ không đến đúng giờ hoặc hủy cuộc hẹn vào giờ cuối”. Bà Nguyễn Ngọc Sự, phụ trách nhân sự Công ty CP Phân phối Tân Niềm Tin (quận 1, TP HCM), bức xúc khi nói về thái độ của ứng viên trong quá trình phỏng vấn tìm việc.
Bắt nhà tuyển dụng chờ đợi
Là đơn vị thường xuyên tuyển dụng nhân sự, bà Sự cho biết đã nhiều lần ngậm đắng nuốt cay vì ứng viên thất hứa khi phỏng vấn. “Nhiều ứng viên khi chúng tôi liên hệ đều đồng ý hẹn ngày phỏng vấn. Thế nhưng, đến giờ hẹn lại không thấy người đâu, điện thoại thì họ không nghe máy hay tắt máy. Thậm chí, có ứng viên khi nghe máy liền trả lời không muốn đến phỏng vấn, tìm việc nữa. Những lúc như thế, ban quản trị công ty luôn than phiền chúng tôi làm mất thời gian của họ” - bà nhớ lại.
Ngay cả những ứng viên cấp trung hay cấp cao cũng để nhà tuyển dụng lâm vào tình huống khó xử. Anh T.T.P, giám đốc nhân sự một công ty sản xuất nước giải khát, cho biết thông thường, để tuyển vị trí quản lý, doanh nghiệp của anh phải thông qua công ty săn đầu người.
“Có lần chúng tôi tuyển vị trí giám đốc kinh doanh. Sau khi hai bên thống nhất gặp gỡ, tôi cùng HĐQT quyết định hẹn ứng viên tại một nhà hàng để vừa ăn tối vừa phỏng vấn cho thân mật. Đúng 19 giờ, chúng tôi đến quán nhưng không thấy ứng viên đâu. Nửa giờ trôi qua, chúng tôi vẫn không thấy ứng viên xuất hiện. Khi tôi gọi điện thì điện thoại của ứng viên ngoài vùng phủ sóng. Sau 1 giờ chờ đợi, chúng tôi buộc phải ra về vì ứng viên không đến mà cũng không thông báo về việc hủy hẹn” - anh P. bức xúc.
Ảo tưởng về bằng cấp
Nhiều nhà tuyển dụng luôn than phiền ứng viên không chỉ thiếu nghiêm túc khi phỏng vấn mà còn mơ hồ, ảo tưởng về bằng cấp của mình, trong khi những kỹ năng cần thiết cho công việc lại chưa được trang bị.
Tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tổ chức mới đây, T.T.C đã mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí quản lý kinh doanh ở một công ty sản xuất bao bì dù vừa tốt nghiệp. Khi nhà tuyển dụng hỏi về những kỹ năng cần thiết cho công việc, C. hồn nhiên trả lời: “Tôi vừa tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, phù hợp với vị trí quản lý mà công ty rao tuyển. Tôi chưa có kinh nghiệm cũng như những kỹ năng cần thiết nhưng những điều đó không khó để học hỏi”. Kết thúc buổi phỏng vấn, C. còn cho biết: “Tôi thích trở thành nhà quản lý nên mới thử ứng tuyển vào vị trí này”!
Khảo sát về “sinh viên với nghề nghiệp” do Công ty Nhân Việt tiến hành cho thấy 98% mong muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai. Lý do khiến các bạn chọn vị trí quản lý ứng tuyển vì mức thu nhập cao chứ không phải vì niềm đam mê nghề nghiệp. Điều đáng nói là chỉ có 18% sinh viên thực hiện được ước mơ nghề nghiệp, trong khi số còn lại thì cho rằng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông Trần Thanh Nhơn - phụ trách nhân sự tại một xưởng cơ khí ở quận Bình Tân, TP HCM - đúc kết: “Nhiều ứng viên luôn ảo tưởng về bằng cấp của mình. Qua quá trình tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy ứng viên cần phải bồi dưỡng thêm tay nghề, học hỏi nhiều kỹ năng thông qua công việc thì mới được tuyển dụng. Ngược lại, nếu không tự trang bị kiến thức và kỹ năng, các bạn sẽ tự đánh mất cơ hội của mình trong quá trình ứng tuyển”.
Thiếu tinh thần đồng đội
Ông Nguyễn Quang Hùng, phụ trách nhân sự của Công ty Thép Khương Mại (quận 11, TP HCM), bày tỏ: “Nhiều ứng viên vẫn còn khá yếu về kỹ năng. Cụ thể, nhiều lần công ty tổ chức tuyển dụng và huấn luyện nghiệp vụ cho ứng viên thử việc nhưng tỉ lệ người trụ lại chỉ khoảng 30%. Lý do khiến ứng viên bị đánh rớt là vì thiếu niềm đam mê trong công việc, không thể hòa đồng cùng đồng nghiệp. Đặc biệt, nhiều ứng viên luôn nghĩ rằng mình có bằng cấp là được tuyển dụng, trong khi kinh nghiệm và kỹ năng của họ lại là con số 0”.
Bình luận (0)