Theo BHXH Việt Nam, hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN là 1.003 tỉ đồng với 59.000 lao động không được bảo đảm về quyền lợi do chưa được giải quyết các chế độ BHXH kịp thời. Pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho phép các DN đang còn hoạt động chậm đóng các loại bảo hiểm có thể giải quyết quyền lợi cho những NLĐ đủ điều kiện hưởng bảo hiểm hoặc thôi việc, chuyển đơn vị; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng các loại bảo hiểm khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, tài sản của hầu hết các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn được thế chấp tại các ngân hàng, sau khi thanh lý còn rất ít hoặc không còn để nộp tiền chậm đóng bảo hiểm, từ đó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, nợ bảo hiểm cũng không phải là khoản thanh toán được ưu tiên (sau chi phí phá sản, nợ bảo đảm ngân hàng , nợ lương, trợ cấp thôi việc...).
Công nhân Công ty Bumjin Vina (KCN Vĩnh Lộc; quận Bình Tân, TP HCM) nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ lương, BHXH Ảnh: MAI CHI
Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản số 51/2014/QH13 quy định thứ tự phân chia tài sản ưu tiên trả nợ lương, trợ cấp thôi việc và 3 loại bảo hiểm nói trên đối với NLĐ, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, sau đó mới đến thanh toán khoản nợ bằng tài sản bảo đảm và các khoản nợ khác.
Bình luận (0)