Theo BHXH Việt Nam, đến cuối tháng 11-2020, số người tham gia BHYT trên toàn quốc là 86,35 triệu người, đạt tỉ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT. Dù số người tham gia BHYT đã tăng 418.600 người so với cuối năm 2019 nhưng tỉ lệ bao phủ này hiện còn thấp so với chỉ tiêu được giao. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao tỉ lệ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90,7% dân số. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay đến cuối năm 2020, toàn ngành BHXH sẽ phải phát triển thêm trên 1,7 triệu người tham gia BHYT.
Bỏ sót lao động mất việc
Thống kê của Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho thấy hiện 23 tỉnh có tỉ lệ bao phủ BHYT cao hơn chỉ tiêu được giao; 40 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp hơn chỉ tiêu được giao. Một số tỉnh có tỉ lệ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao, gồm: Bạc Liêu (thấp hơn 12,3%), Bình Thuận (thấp hơn 9,7%), Tây Ninh (thấp hơn 9,7%), Đồng Nai (thấp hơn 8,4%), TP HCM (thấp hơn 8%)…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo một số địa phương, là do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới công tác phát triển đối tượng BHYT. Thêm vào đó, hệ thống đại lý BHYT "mỏng", kỹ năng tuyên truyền của nhiều nơi chưa đủ thuyết phục... Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, đến nay số học sinh, sinh viên tham gia BHYT mới đạt 21 triệu người trên tổng số 23 triệu người trong chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Tỉ lệ tham gia BHYT tại các trường dạy nghề thấp, có nơi chưa đạt 50%. Số chưa tham gia tập trung chủ yếu ở sinh viên các trường đại học, cao đẳng năm thứ 2 trở đi. Tại hội nghị về công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT mới đây, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động (NLĐ) bị chấm dứt hợp đồng đã ảnh hưởng đến việc tiếp tục tham gia BHXH, BHYT. Tuy vậy, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đưa đối tượng này tham gia BHYT hộ gia đình. Nhiều nơi mới chỉ tập trung vào phát triển mới, mà bỏ sót nhóm đối tượng đã tham gia BHYT nhưng bị bỏ dở giữa chừng. "Hiện nay, nhóm đối tượng này hoàn toàn có thể tham gia BHYT hộ gia đình, mà không vướng bất kỳ quy định pháp luật nào" - ông Hào nhấn mạnh.
Nhận định về khả năng phát triển đối tượng tham gia BHYT trong thời gian tới, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng số người tham gia BHYT, đòi hỏi BHXH các địa phương phải linh hoạt. Các địa phương cần chú trọng vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập, NLĐ đang bảo lưu, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề…
Lao động mất việc tại tỉnh Bình Dương làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: TÂM AN
Thay đổi mức hưởng
Theo BHXH Việt Nam, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định từ năm 2021, sẽ triển khai chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú với khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. Hiện nay, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Sang năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.
Như vậy, sau 5 năm thông tuyến BHYT tuyến huyện, bắt đầu từ năm 2021 BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, có thẻ BHYT, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị thúc đẩy việc thông tuyến BHYT, đồng thời tăng cường chất lượng KCB cho người dân, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế. Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cũng cho biết mức hưởng BHYT năm 2021 không thay đổi. Người dân KCB đúng tuyến được hưởng 100% tổng chi phí KCB nếu khám tại tuyến xã, hoặc chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở, hoặc có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến). Trong các trường hợp khác, người dân được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB.
Nhiều tiện ích trên thẻ BHYT mới
Từ ngày 1-4-2021, người tham gia BHYT sẽ sử dụng thẻ BHYT theo mẫu mới và điều này giúp cơ sở KCB, cơ quan bảo hiểm quản lý hồ sơ bệnh nhân KCB BHYT chặt chẽ hơn. So với mẫu thẻ BHYT hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều điểm khác biệt mang lại tiện ích cho người tham gia tiện tra cứu thông tin sử dụng thẻ... Mã số thẻ BHYT mới là 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia, được sử dụng để tra cứu thông tin về thẻ BHYT (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT hiện nay); mục đích giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT.
Bình luận (0)