Trong hội thảo tham vấn những quy định về quan hệ lao động trong dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng quy trình giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) và đình công đã được BLLĐ quy định từ năm 1994 song những quy trình ấy giống như “độc đạo”. Có nghĩa là việc giải quyết gồm nhiều bước và bắt buộc phải tuân theo đúng trình tự, không qua được bước này thì sẽ không đến được bước tiếp theo. Hậu quả là hơn 20 năm qua, chưa có cuộc đình công nào được tiến hành đúng trình tự pháp luật; nói cách khác, tất cả đều là đình công bất hợp pháp.
Phá thế “độc đạo”
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết để khắc phục tình trạng luật không đi vào thực tiễn, trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo đã đặt mục tiêu phải sửa chương “giải quyết TCLĐ và đình công” một cách toàn diện và căn cơ. Theo đó, sẽ chuyển trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp từ “độc đạo” sang mô hình tự nguyện và tự chọn bởi các bên tranh chấp. Cụ thể, khi xảy ra TCLĐ về quyền hoặc lợi ích, các bên có quyền lựa chọn giải quyết theo 2 phương án: thông qua hòa giải, trọng tài, tòa án hay đình công.
Trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo cũng đề ra nhiều nội dung để đổi mới tổ chức, hoạt động của hội đồng trọng tài theo hướng phạm vi áp dụng với cả TCLĐ cá nhân và tập thể về quyền thay vì chỉ TCLĐ tập thể về lợi ích như trước. Song song đó, chuyển từ cách thức hoạt động của cả hội đồng sang ban trọng tài gồm 3 trọng tài viên. Đặc biệt, nếu cả 2 bên tranh chấp tự nguyện chọn lựa giải quyết thông qua trọng tài thì phán quyết của trọng tài là chung thẩm (tức có hiệu lực thi hành ngay, không được phản đối). “Khi xây dựng phương án nâng cao năng lực cho hội đồng trọng tài, ban soạn thảo kỳ vọng chế định này sẽ phát huy tác dụng, giải quyết hiệu quả các cuộc TCLĐ, hạn chế đình công” - ông Bình chia sẻ.
Mô hình… trong mơ!
Quy trình, thủ tục đình công của BLLĐ năm 2012 từng bị phê phán là rườm rà, mất nhiều thời gian nên khó thực hiện. Từ thực tế này, ban soạn thảo đã rút ngắn quy trình đình công từ 7 bước xuống còn 3 bước và thời gian tiến hành cũng được rút ngắn đáng kể. Dù vậy, nhiều đại biểu vẫn cho rằng dự thảo vẫn chưa sát thực tiễn. Một cán bộ Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) thẳng thắn nhận xét: “Mô hình đình công mà luật đưa ra giống như trong mơ vậy, tôi thấy không giống với thực tiễn đang diễn ra tại công ty chúng tôi. Luật chỉ nêu 2 loại TCLĐ tập thể về quyền và lợi ích nhưng thực tế đã xảy ra những cuộc tranh chấp không xuất phát từ quyền hay lợi ích, chẳng hạn như cuộc TCLĐ tập thể để phản đối điều 60 Luật BHXH trước đây. Hơn nữa, đối với người lao động (NLĐ), đình công là cách để họ bày tỏ sự phản ứng tức thì đối với một vấn đề nào đó, cho nên khi bức xúc là họ phản ứng ngay chứ không thể chờ để tiến hành từng bước theo quy trình”.
Theo ông Lê Xuân Trị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ, dự thảo quy định đình công do tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo. Trong khi đó, hiện nay tổ chức đại diện NLĐ (bao gồm Công đoàn cơ sở) lại do doanh nghiệp trả lương nên chẳng mấy ai dám đứng lên chống lại doanh nghiệp. “Như vậy, đình công tự phát sẽ tiếp tục diễn ra, mọi việc quay lại quỹ đạo cũ” - ông Trị nêu.
Còn ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận xét quy trình đình công tuy có rút gọn nhưng vẫn còn dài. “Luật cần có thêm quy định cho phép được rút ngắn quy trình tổ chức đình công trong một số trường hợp TCLĐ có lý do rõ ràng, chẳng hạn NLĐ bị nợ lương, để giải quyết kịp thời bức xúc của NLĐ, tránh xảy ra đình công tự phát” - ông Triều kiến nghị.
Lo hội đồng trọng tài chết yểu!
Ông Cao Duy Thái, quyền Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận: “Đã hơn 20 năm kể từ khi hội đồng trọng tài lao động ra đời nhưng tôi chưa thấy xử lý vụ nào nên khi ban soạn thảo tiếp tục duy trì tổ chức này thì phải có giải pháp để nó hoạt động hiệu quả, tránh để “chết yểu” như thời gian qua. Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định quyết định của hội đồng trọng tài là chung thẩm nhưng lại chưa đưa ra cách xử lý cho trường hợp nếu phán quyết của trọng tài là sai. Mặt khác, lần sửa đổi này, tôi cũng chưa thấy ban soạn thảo đưa ra các quy định về trách nhiệm của các bên khi xảy ra đình công bất hợp pháp để cân bằng lợi ích cho cả NLĐ và doanh nghiệp”.
Bình luận (0)