Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Long An cho công nhân tạm nghỉ toàn bộ hoặc luân phiên, đời sống người lao động gặp khó khăn. Nhiều người đã vay tiền qua app để tạm vượt qua khó khăn nhưng lại lún sâu vào khốn khó.
Vay 2,3 triệu, trả gần 6 triệu đồng
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà - Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - đã gửi thư đến Báo Lao Động đề nghị lên tiếng cảnh báo để công nhân lao động (CNLĐ) tỉnh Long An biết mà tránh xa hình thức vay tiền qua app, không để có thêm những trường hợp trở thành nạn nhân như một số công nhân của công ty (Cty) nơi chị Hà làm việc.
Theo giới thiệu của chị Hà, chúng tôi đã tiếp xúc với công nhân M.H.D - nạn nhân của vay tiền qua app. Anh D cho biết, quê anh ở tỉnh An Giang, đến Long An làm công nhân đã nhiều năm. Dịp Tết vừa rồi, sau khi về đón năm mới với gia đình, trở lại Cty gặp lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng việc làm, thu nhập, anh đã vào mạng vay tiền qua app theo chỉ dẫn của bạn bè.
Anh D vay 2,8 triệu đồng, nhưng chỉ được nhận 2,3 triệu đồng, họ giải thích là do trừ phí gì đó. Đến hạn thanh toán, anh D chưa tìm được tiền để trả, thế là số nợ tăng lên vùn vụt. Đến đầu tháng 6 vừa rồi, khi số tiền nợ (nợ gốc cùng các khoản lãi, phí…) tăng đến gần 6 triệu đồng. Họ bắt đầu đòi nợ theo kiểu gây áp lực tinh thần như đe dọa, liên tục gọi đến những người thân, bạn bè anh D để bắt anh trả nợ… Anh D không hiểu sao họ có hầu hết số điện thoại người thân, bạn bè của anh. Có thể bằng cách nào đó, họ lấy được danh bạ anh lưu trong máy.
Đến nước này, anh D lo sợ thật sự và đã bằng mọi cách mượn tiền để chuyển trả cho họ. Anh D cho hay, anh cũng có nhiều bạn bè vì túng thiếu mà vay tiền bằng cách này. Kết cục là ai cũng khốn khổ khi phải cắn răng chịu lãi suất "cắt cổ".
Công đoàn lo cho công nhân
Chị Thúy Hà nói rằng, khi nghe dư luận trong Cty lùm xùm chuyện 1 công nhân vay tiền qua app song không có tiền trả, đang bị đe dọa, chị đã tìm hiểu và gặp trực tiếp anh D. Trước hoàn cảnh bế tắc của anh D, người nữ chủ tịch CĐCS đã lấy tiền cá nhân của mình để cho anh D mượn trả nợ. Bởi nếu không trả kịp thời, số nợ sẽ nhanh chóng tăng lên hàng chục triệu đồng, anh D cũng không thể nào an tâm mà làm việc.
Ngay sau đó, chị Hà đã cho sinh hoạt trong toàn CĐCS cũng như công nhân trong Cty để mọi người hiểu và tránh xa hình thức vay tiền qua app; đồng thời hướng dẫn anh chị em tiếp cận với các nguồn tín dụng hợp pháp khi cuộc sống gặp bất trắc, có nhu cầu vay vốn.
Bà Bùi Thị Ngọc Trang - Chủ tịch CĐ Các KCN tỉnh Long An - cho biết, bà đã nắm được chuyện vay tiền qua app với lãi suất cao của công nhân ở KCN Xuyên Á và nhiều nơi khác. Bà đã đề nghị các CĐCS có báo cáo cụ thể từng trường hợp để CĐ các KCN tập hợp, kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công nhân. Thế nhưng, hầu hết công nhân có vay tiền qua app đều không hợp tác, vì cho rằng "mình làm mình chịu", không muốn thêm phiền phức, với lại số tiền cũng không quá lớn.
Theo bà Trang, trước đây, nhiều công nhân các KCN bị sa vào "tín dụng cột điện" (tín dụng đen cho vay qua thông tin trên cột điện), tổ chức CĐ đã vào cuộc giúp tình hình tạm ổn. Nay đến hình thức cho vay qua app quá dễ dàng đã dụ dỗ được nhiều người, tổ chức CĐ đang tiếp tục tuyên truyền để công nhân hiểu mà tránh xa, đồng thời hướng dẫn họ xin vay ở những tổ chức tín dụng hỗ trợ người lao động.
Bình luận (0)