Cuối tháng 9-2019, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng: Nguyễn Hoài Nam (34 tuổi), Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi, em ruột Nam) và Nguyễn Văn Rim (30 tuổi) - cùng ngụ huyện Xuân Lộc - để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi đối với công nhân (CN) đang làm việc trong KCN Xuân Lộc.
Thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH
Theo lời khai của các đối tượng, nhận thấy nhu cầu vay tiền của CN lớn nên Nam và Rim bàn nhau tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi. Sau khi gom được số tiền 2 tỉ đồng, các đối tượng đã tìm kiếm khách hàng là những CN đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN).
Các đối tượng Nam, Hoàng, Rim bị cơ quan công an bắt khẩn cấp cùng tang vật là các thẻ ATM, sổ BHXH của công nhân
CN chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH là được cho vay ngay từ 2 đến 7 triệu đồng tùy theo mức lương. Người vay nhiều nhất là 60 triệu đồng. Lãi suất dao động 4%-6%/tháng hoặc 48%-72%/năm. Khi cho CN vay, Nam và Rim yêu cầu phải viết giấy mượn nợ với lãi suất theo quy định của nhà nước. Hằng tháng, từ ngày 10 đến 25, các đối tượng này tự lấy thẻ ATM của CN vay nợ để rút tiền lãi, số còn lại trả cho CN. Chỉ khi nào CN trả hết tiền gốc và lãi, Nam và Rim mới trả lại thẻ ATM. Nếu CN chỉ trả tiền lãi thì các đối tượng vẫn giữ thẻ ATM đến khi nào CN trả hết tiền mới thôi.
Cứ như thế, số CN vay tiền của Nam và Rim ngày càng nhiều, lên tới hơn 200 người. Để việc rút tiền lãi từ thẻ ATM của CN nhanh chóng, Nam và Rim đã thuê thêm Hoàng thực hiện. Đến trưa 26-9, khi các đối tượng này đang dùng thẻ ATM của CN để rút tiền thì bị Công an huyện Xuân Lộc phát hiện, bắt giữ. Qua khám xét chỗ ở của các đối tượng, lực lượng công an đã phát hiện, tạm giữ 206 thẻ ATM, hơn 206 triệu đồng, 121 hợp đồng vay, 120 sổ BHXH.
Không riêng gì KCN Xuân Lộc mà tại các DN trên địa bàn Đồng Nai như TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành, tình trạng các đối tượng rải tờ rơi cho vay vốn nhanh chóng hòng thu tiền lời "cắt cổ" cũng diễn ra.
Chị L.T.T.T, CN Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho biết năm 2016, chồng chị (làm cùng công ty) thua cá độ bóng đá đã đi vay nóng 30 triệu đồng theo dạng "tín dụng đen" tại địa phương. Đến hạn trả gốc và lãi, chồng chị không những không trả được mà còn tiếp tục viết giấy vay khiến số tiền nợ cứ ngày một đội lên. Vợ chồng chị phải mang giấy tờ nhà đi cầm cố để trả nợ nhưng càng ngày, số tiền vay càng lớn, lên tới hơn 600 triệu đồng. Hằng tháng, cứ đến ngày lãnh lương, các đối tượng cho vay tiền lại đứng chặn trước cổng công ty để đòi nợ. Chồng chị T. vì quá sợ hãi đã phải bỏ xứ, bỏ việc ra đi.
Bán nhà để trả nợ
Gần một năm trước, nhiều người dân ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa không khỏi bàng hoàng trước cái chết của anh B.M.T (39 tuổi). Do hoàn cảnh khó khăn, anh T. đã vay 60 triệu đồng của một đối tượng với lãi suất gần 1 triệu đồng/ngày. Do quá túng bấn, không có tiền trả, lãi mẹ đẻ lãi con, anh T. liên tục bị đối tượng cho vay tìm đến nhà đánh đập, thậm chí còn đòi bắt cóc con trai mới 3 tháng tuổi.
Đỉnh điểm, trong lúc T. chở vợ con đi trên đường, một nhóm người bất ngờ áp sát, xô đẩy khiến anh phải bỏ của, bỏ người chạy trốn ra cầu Ghềnh. Tại đây, chúng tiếp tục đánh đập làm anh T. ngã xuống sông Đồng Nai và tử vong. Sau thời gian điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt được hung thủ và khởi tố đối tượng gây ra cái chết của anh T. về tội "giết người".
Chị N.T.N - CN một công ty tại huyện Nhơn Trạch, từng vay tiền theo dạng tín dụng đen - cho hay trước đây, do cần tiền gấp nên chị đã vay 5 triệu đồng của các đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất 7%/tháng. Tưởng đâu chỉ cần có lương là trả đủ nhưng do bị bệnh nên chị phải nghỉ làm 2 tháng khiến không có tiền để trả nợ. Các đối tượng cho vay liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ, nếu không sẽ có những hành động đe dọa tính mạng. Quá hoảng sợ, chị N. phải vay mượn người quen, trả hết cả nợ và lãi lên tới vài chục triệu đồng mới được yên thân.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết 2 năm nay, rất nhiều CN lao đao, khốn khổ vì vay tiền nặng lãi. Có người chỉ vay vài triệu nhưng một thời gian sau, số nợ đã lên tới vài chục triệu đồng. Có những người phải bán cả nhà cửa để trả nợ.
"Bằng các chiêu trò cho vay nhanh chóng, chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH, các đối tượng cho vay đã đánh trúng tâm lý cần tiền ngay của người lao động. Sau khi CN "dính câu" thì việc trả nợ là vô cùng khó khăn" - luật sư Vũ Ngọc Hà lo ngại.
Tăng cường hiểu biết cho công nhân
Để hạn chế tình trạng CN "sập bẫy" tín dụng đen, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền và bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của người lao động. "LĐLĐ tỉnh đã đề nghị các cấp Công đoàn chủ động nắm tình hình tín dụng đen trong CN và các tệ nạn xã hội để kịp thời thông tin tuyên truyền, giúp CN hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của chúng để biết, cảnh giác; không để các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của CN" - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết.
Bình luận (0)