Hội đồng Tiền lương Quốc gia chiều nay 9-7, đã họp phiên thứ nhất, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - Ảnh: Văn Duẩn
Đúng 13 giờ 45 phút chiều nay 9-7, phiên đàm phán lần thứ nhất bàn về tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019 đã diễn ra tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các thành viên hội đồng.
Thành phần chính của hội đồng gồm đại diện 3 bên: Bộ LĐ-TB-XH (đại diện cơ quan quản lý Nhà nước); Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện người lao động - NLĐ); và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho chủ sử dụng lao động.
Trước khi bước vào phiên thương lượng lần thứ nhất, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH đã từ chối bình luận cũng như trả lời các vấn đề liên quan.
Còn đại diện VCCI cho biết vẫn giữ quan điểm chưa nên tăng LTT trong năm 2019. Cụ thể, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: "Chúng tôi đã tập hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về điều chỉnh LTT năm 2019. Đại đa số các hiệp hội đều cho rằng, lúc này chưa nên tăng LTT vùng 2019".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI: "Chúng tôi đã tập hợp ý kiến của các hiệp hội DN trong và ngoài nước về điều chỉnh LTT năm 2019. Đại đa số các hiệp hội đều cho rằng, lúc này chưa nên tăng LTT vùng 2019"- Ảnh: Văn Duẩn
"Việc không tăng LTT nhằm "bồi dưỡng" sức DN, dồn sức để đào tạo và nâng cao tay nghề của NLĐ trong DN. Qua đó đáp ứng yêu cầu công việc cũng như sự cạnh tranh của thị trường" - ông Phòng nói.
Về quyết định cuối cùng, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng sẽ bàn bạc với Hội đồng Tiền lương Quốc gia để cùng có tiếng nói chung khi đàm phán, thương lượng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết Hội nghị Trung ương 7 đã thông qua 2 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về cải cách tiền lương. Theo đó, Nhà nước sẽ dần không can thiệp vào cơ chế tiền lương của DN. Thay vào đó thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, phát biểu khai mạc - Video: Văn Duẩn
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc thực hiện điều chỉnh tăng LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Theo kế hoạch, tại phiên đàm phán đầu tiên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ dành thời gian để lắng nghe kết quả khảo sát tình hình đời sống của NLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, tác động của LTT năm 2018 tới chi phí sản xuất - kinh doanh của DN. Các bên cũng sẽ tiếp thu ý kiến từ nhóm kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia báo cáo về tình hình thực hiện mức LTT 2018 và xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Cuối cùng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp thu ý kiến của các bên về đề xuất mức LTT vùng 2019 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Được biết, vào năm 2017, sau 3 lần thương lượng căng thẳng, sáng 7-8-2017, tại trụ sở Bộ LĐ-TB-XH, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã "chốt" mức đề xuất tăng LLT vùng năm 2018 là 6,5%.
Bình luận (0)