xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa chốt mức tăng lương tối thiểu

Văn Duẩn

Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã phải dừng lại vào lúc 12 giờ ngày 28-7 mà không có kết quả

Sáng 28-7, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức họp phiên thứ 2 để thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018. Trao đổi với Báo Người Lao Động trước phiên họp, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng theo lộ trình tiền LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) thì mức tăng lương năm 2018 phải là 13,3%. Còn nếu kéo giãn thời gian đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì ít nhất năm 2018, lương phải tăng ở mức 10%.

Tăng 5%: Không thể chấp nhận

"Quan trọng là Hội đồng Tiền lương quốc gia phải xác định được thời hạn kết thúc tiền LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào thời điểm năm nào thì mới rõ. Nếu không thì con số đề xuất mức LTT vẫn sẽ vênh nhau giữa tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho NLĐ" - ông Mai Đức Chính băn khoăn.

Chưa chốt mức tăng lương tối thiểu - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp (bìa trái) trao đổi với các đại biểu trong giờ giải laoẢnh: VĂN DUẨN

Ông Chính cho biết trong đàm phán, thương lượng, chắc chắn phải có bên lên, bên xuống, không thể cứ giữ khư khư quan điểm của mình. "Nhưng chúng tôi khẳng định mức tăng 5% như phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra là không thể chấp nhận được. Bởi thực ra, nếu tăng ở mức 5% thì coi như không tăng mà mới chỉ bù trượt giá"- ông nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các chỉ số kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 đều có kết quả tốt hơn năm 2016 nên không có lý do gì chỉ tăng LTT ở mức 5%.

Cuộc thương lượng diễn ra hết sức căng thẳng khi các bên đều bảo vệ quan điểm của mình. Đến 12 giờ, phía đại diện chủ sử dụng lao động vẫn chỉ đề nghị tăng lương 5%, trong khi đại diện NLĐ đề nghị ít nhất phải là 8%. Do không tìm được tiếng nói chung, phía đại diện NLĐ đã đề xuất dừng cuộc họp.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp, phiên họp thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 7-8. Đó cũng là phiên họp cuối cùng để chốt mức tăng LTT vùng năm 2018 để trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Cần hài hòa lợi ích các bên

Trao đổi với báo chí sau khi phiên thương lượng lần 2 thất bại, ông Doãn Mậu Diệp cho biết có dấu hiệu tích cực là độ vênh nhau đã giảm xuống nhiều. "Trên tinh thần cân nhắc cả lợi ích quốc gia, lợi ích NLĐ, khả năng chi trả và cạnh tranh của doanh nghiệp, đại diện các bên đều thể hiện tinh thần trách nhiệm khi trao đổi, thương lượng. Đến nay, chỉ còn 2 phương án đưa ra xem xét" - ông Diệp đánh giá.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong thời gian khoảng 1 tuần, hy vọng sẽ có phương án làm hài lòng cả hai phía. Ông Diệp cho rằng nếu như hai bên thống nhất được phương án đưa ra để bỏ phiếu và đạt tỉ lệ quá bán thì đó là phương án cuối cùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Trường hợp hai bên không thống nhất được thì hiện còn có 2 phương án do đại diện người sử dụng lao động và đại diện NLĐ đưa ra. Nếu phương án nào có tỉ lệ lựa chọn cao hơn sẽ là phương án để hội đồng lựa chọn.

Chưa chốt mức tăng lương tối thiểu - Ảnh 2.

Với đồng lương eo hẹp, bữa ăn của công nhân chủ yếu là rau Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết ông đồng ý với Tổng LĐLĐ Việt Nam là hiện nay, mức LTT chưa tiếp cận mức sống tối thiểu. Đây cũng là sự phấn đấu và mong muốn của doanh nghiệp để có thể chi trả mức lương cao hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh, cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh, nguồn lực, năng suất lao động. Như vậy mới lấp được khoảng trống giữa LTT và mức sống tối thiểu.

Trả lời câu hỏi về mức đề xuất tăng LTT ra sao trong phiên họp ngày 7-8 tới đây, ông Mai Đức Chính khẳng định: Rất chia sẻ với doanh nghiệp nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ không chấp nhận mức tăng thấp hơn năm 2017, tức là ở mức 7,3%.


Chị Lê Thị Gấm, công nhân Công ty TNHH Sambu Vina Sports:

Không cảm nhận được lương tăng

Tôi vào làm việc tại công ty đã được 6 năm, mức lương hiện tại là 4,5 triệu đồng/tháng nhưng thú thật, đồng lương vừa đến tay quay đi, quay lại đã hết. Một mình tôi nuôi con nhỏ nên tiền lương hằng tháng phải gói ghém lắm mới đủ trang trải.

Năm ngoái, tôi nhớ Chính phủ có điều chỉnh LTT vùng nhưng tôi không cảm nhận được là có tăng lương. Bởi lẽ, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng. Vậy mà năm nay, đại diện giới chủ chỉ đề xuất tăng lương từ 1%-5%, tức chưa đến 180.000 đồng/tháng. Thử hỏi với số tiền ấy, chúng tôi làm được gì để cho cuộc sống bớt khó khăn?

Đại diện một doanh nghiệp tại quận 3, TP HCM:

Không nên năm nào cũng tăng lương

Theo tôi, mỗi năm mỗi bàn vấn đề tăng lương là không nên. Sau khi tăng lương, doanh nghiệp rất khó khăn vì phải điều chỉnh thang bảng lương, hợp đồng, phụ lục, mức đóng BHYT, BHXH… Trong khi đó, mức tăng mỗi năm chỉ 200.000-300.000 đồng chẳng đáng là bao, không giúp công nhân phấn khởi. Ngược lại, vừa nghe tăng lương, nhiều nhà trọ, quán xá, thực phẩm, dịch vụ… đã tăng giá.

Tôi nghĩ Hội đồng Tiền lương quốc gia nên có một kế hoạch khảo sát đề xuất mức tăng lương hợp lý để có thể 3 năm hoặc 5 năm tăng một lần. Không thể mỗi năm lại ngồi lại bàn tới tính lui vấn đề tăng lương.

Ông Trần Châu Giang, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Long Hải:

Phải bảo đảm cuộc sống NLĐ

Tôi luôn theo dõi sát thông tin về điều chỉnh LTT vùng và cảm thấy các ý kiến đề xuất không điều chỉnh lương hoặc chỉ điều chỉnh 1%-2% trong năm là không chấp nhận được. Nhiều doanh nghiệp luôn than khó nhưng không chịu hiểu cái khó của NLĐ. Mức sinh hoạt phí tăng mỗi năm tạo gánh nặng ngày một lớn và tiền lương là nguồn thu nhập của hầu hết công nhân lao động. Nếu không tăng lương thì họ làm thế nào ổn định cuộc sống?

Theo tôi, mức tăng năm nay khoảng 10% là hợp lý. Hiện mức LTT áp dụng tại công ty tôi đã cao hơn 4 triệu đồng và ban giám đốc sẵn sàng điều chỉnh cao hơn trong năm tới bởi doanh nghiệp hiểu rằng khi NLĐ được chăm sóc tốt, họ sẽ gắn bó và làm việc tốt hơn, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với khách hàng.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Chủ tịch CĐ Công ty Sài Gòn Precision:

Để công nhân yên tâm làm việc

Với tình hình mỗi năm doanh nghiệp đều than khó để tăng lương thấp như thế này, tôi nghĩ vẫn nên điều chỉnh hằng năm, không nên cách 2-3 năm mới tăng một lần như một số ý kiến đề xuất để tránh tình trạng một số doanh nghiệp sẽ sa thải người cũ và tuyển mới để khỏi tăng lương. NLĐ là nhân tố sống còn của doanh nghiệp nhưng một số nơi khi cần giảm chi phí, ban giám đốc lại nghĩ ngay đến việc giảm hoặc không tăng lương cho NLĐ, trong khi doanh nghiệp có thể tìm giải pháp nâng cao năng suất. Đây là một nghịch lý.

Tại công ty chúng tôi, mỗi năm có hơn 2.000 công nhân được tăng lương 2 lần vào đợt đầu năm điều chỉnh LTT và đợt tăng lương niên hạn vào tháng 3. Mức LTT chúng tôi đang áp dụng đã là 4,1 triệu đồng/người/tháng với công nhân mới. Năm tới, công ty vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh để công nhân yên tâm làm việc.

T.Nga - M.Chi - H.Đào ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo