Giữa cái nắng nóng gay gắt của ngày đầu tháng 8-2018, đoàn cán bộ Công đoàn (CĐ) TP HCM đã vượt hơn 400 km để đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), công trình được xây dựng bởi sự đóng góp của CNVC-LĐ, các nhà hảo tâm, đồng bào trong và ngoài nước…
Các anh sống mãi trong lòng dân tộc
Biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết song không thể xóa đi những ký ức bi hùng về những con người quả cảm của Tổ quốc. Nhất là khi tên các anh, chiến tích của đồng đội đã được khắc lên bia đá, dựng thành tượng đài. Không chỉ thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu binh Gạc Ma, các cán bộ CĐ TP đã đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để tham quan, ghi lại những dòng cảm xúc tri ân trong trang lưu niệm.
Các cán bộ Công đoàn TP HCM xem lại hình ảnh các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Mọi người bồi hồi khi nghe kể lại câu chuyện thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (nằm trong cụm đảo Sinh Tồn), đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến ngày 14-3-1988. Hôm đó, vào tầm 6 giờ sáng, hơn 40 binh lính Trung Quốc rời tàu chiến mang vũ khí lên 3 xuồng nhôm tiến vào đảo Gạc Ma giật lấy cờ trong tay chiến sĩ ta. Không hề run sợ trước kẻ thù, thiếu úy Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại lá quốc kỳ. Bọn giặc đã nổ súng khiến thiếu úy Phương hy sinh, hạ sĩ Lanh bị thương. Trước khi đối mặt với kẻ thù, thiếu úy Phương đã nói với đồng đội rằng: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng". Cũng chính anh và đồng đội đã tạo thành vòng tròn, thà chết để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên nền đảo đá. Trong trận chiến không cân sức ấy, đã có 64 chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Máu của các anh đã tô thắm lá cờ Tổ quốc.
Dù đã được đọc, được nghe nhiều về sự hy sinh anh dũng của các anh song nhiều cán bộ CĐ vẫn không kìm được xúc động, trong họ dậy lên niềm tự hào khó tả. Đôi mắt đỏ hoe, chị Trần Thị Dung, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Kollan (KCX Linh Trung 2), bộc bạch: "Trước nay, tôi và các anh chị em công nhân tham gia đóng góp cho chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động để xây tượng đài, chăm lo cho các gia đình chiến sĩ, hỗ trợ ngư dân bám biển… Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đứng trước tượng đài của các chiến sĩ Gạc Ma, nghe kể về các anh. Các anh nằm lại nhưng vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Lịch sử luôn ghi nhớ các anh".
Tinh thần Gạc Ma bất diệt
Thắp một nén nhang tưởng nhớ, anh Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ các Doanh nghiệp Công ích Dịch vụ thương mại TP, thổ lộ: "Từ khi khu tưởng niệm khởi công, tôi thường xuyên theo dõi tiến độ công trình. Qua báo chí, hình ảnh tượng đài uy nghi, cây cối xanh tốt, lòng tôi khấp khởi mừng. Hôm nay, lần đầu tiên được đứng trước tượng đài, được nghe kể về các anh, tôi cảm động và tự hào".
Với nhiều cán bộ CĐ tham gia chuyến về nguồn, chiêm ngưỡng một công trình tưởng niệm được xây bằng sự đóng góp của hàng triệu đoàn viên và người lao động cả nước là niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả. "Khu tưởng niệm được hình thành từ nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, cũng như của nhân dân cả nước. Được góp một phần công sức vào việc hình thành khu tưởng niệm, tôi rất tự hào. Đây còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cán bộ CĐ. Tinh thần Gạc Ma bất diệt" - chị Trương Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn, bày tỏ.
Nhiều cán bộ CĐ cũng có chung cảm xúc như anh Minh và chị Huyền. Nhiều người cẩn thận lấy sổ tay ghi chép về chuyến đi, nhất là câu chuyện về sự hy sinh của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều CĐ cấp trên cơ sở còn dự tính tổ chức một chuyến viếng về nguồn tương tự dành cho các đoàn viên có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, các cán bộ CĐ cơ sở dấn thân bảo vệ quyền lợi người lao động.
Xúc động trước hình ảnh này, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP, bày tỏ: "Dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, hình ảnh những người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đều đi vào bất tử. Bên cạnh tinh thần hy sinh quả cảm vì Tổ quốc, dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của các anh, vẫn còn đó nhiều quân nhân khó khăn vất vả trong cuộc mưu sinh sau ngày trở về, nhiều gia đình thân nhân họ còn cơ cực trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay... Thay mặt cho CNVC-LĐ TP, tôi hứa sẽ tuyên truyền đến từng đoàn viên để tiếp tục chăm lo cho gia đình, người thân của các anh".
Mãi ghi nhớ những người đã hy sinh
Ngày 13-3-2015, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được khởi công xây dựng trên diện tích 4,5 ha tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 1 rộng khoảng 2,5 ha đã xây dựng gồm: khu quảng trường, cụm tượng đài, khu trưng bày các hiện vật về biển đảo và kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, khu mộ gió và Công viên Hòa Bình. Công trình chính thức được Tổng LĐLĐ Việt Nam khánh thành vào ngày 15-7-2017. Giai đoạn 2 sẽ được xây dựng tại khu mô phỏng đảo Cô Lin, Len Đao, có cả nơi để thân nhân các liệt sĩ có thể ở lại, tham quan, nghỉ dưỡng…
Bình luận (0)