M. xòe bàn tay trước mặt tôi: "Giờ là tháng 10 rồi, còn 3 tháng nữa là Tết. Tao ráng dành dụm để Tết đem một cục tiền về cho mẹ con nó. Tết này chắc là vui lắm đây". Nói xong M. bưng ly rượu uống một hơi.
Tối hôm đó một anh bạn trong nhóm vừa "trúng mánh" do bán phế liệu nên mời mọi người lai rai. Cùng là dân tứ xứ xa quê, làm thuê, làm mướn nên câu chuyện quanh mâm rượu kéo dài đến quá nửa đêm. Bà chủ nhà trọ phải nhắc mấy lần, mọi người mới chịu giải tán. Trước khi ngủ, M. còn cất giọng rè rè hát "Xuân, xuân ơi, xuân đã về...".
Vậy đó mà 9 giờ sáng hôm sau, tôi đang trên đường vận chuyển vật liệu về công trình thì nhận được tin M. đã chết. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết là do ngã từ trên cao; còn lý do vì sao ngã thì còn chờ điều tra.
Thợ xây dựng làm xiếc trên cao
Tôi chạy về công trình lúc hiện trường bị phong tỏa để các ban ngành chức năng làm việc. Từ xa, tôi thấy người đồng nghiệp hiền lành, chất phác, hết lòng yêu vợ, thương con của mình nằm đó; người cởi trần, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn. Tôi đã lờ mờ đoán ra nguyên nhân.
Sáng hôm đó khi tôi thức dậy chuẩn bị đi làm thì M. vẫn ngủ. Có lẽ do mệt vì tối hôm trước uống nhiều. Mọi người kể sau đó M. choàng dậy, thấy đã trễ nên chạy ngay ra công trường. Hôm đó công việc của M. là tô tường phía ngoài của tầng 6 tòa nhà. Theo quy định, thợ xây đứng trên thang dây phải thắt đai an toàn, quan trọng hơn là phải kiểm tra các chốt khóa và tiêu chuẩn kỹ thuật của dây đai trước khi sử dụng. Do vội nên M. cài khóa sơ sài, đang thi công thì khóa bị bung ra, bạn tôi ngã từ trên cao, đa chấn thương và tử vong tại chỗ.
Suốt mấy đêm trời tôi không ngủ được. Hình ảnh M. trần trụi, cái cái quần cộc xỉn màu cứ hiện về rõ mồn một trước mắt. Tôi ước giá như M. cẩn thận kiểm tra các móc khóa trước khi thao tác, giá như có ai ở đó nhắc M. đội mũ bảo hộ, giá như cán bộ phụ trách an toàn lao động của công ty thực hiện đúng chức trách của mình... Và giá như đừng có cuộc nhậu tối hôm trước để bạn tôi đừng mệt mỏi, ngủ muộn rồi hấp tấp chạy đến công trình...
Môi trường làm việc của công nhân xây dựng rất nguy hiểm
Tai nạn lao động không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Cách đây 3 tháng, ở một công trình khác, một đồng nghiệp của tôi khi thi công trên cao, đã quơ cây sắt trúng trụ điện cao thế. Anh bị điện giật, tuy không chết nhưng hiện vẫn hôn mê sâu, sống đời sống thực vật. Đoàn điều tra kết luận "do người lao động không tuân thủ quy trình".
Ở một công trình khác cách đây hơn 1 năm, cũng xảy ra trường hợp sập giàn giáo khiến 2 đồng nghiệp của tôi tàn phế suốt đời. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do giàn giáo lắp đặt không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà người thực hiện chính là những đồng nghiệp của tôi.
Trong 15 năm làm trong ngành xây dựng của mình, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của đồng nghiệp. Những cái chết ấy thật ra có thể tránh được nếu người ta đừng cẩu thả, đừng sợ tốn kém chi phí, đừng lơ là trách nhiệm quản lý hoặc ít ra thì người lao động cũng ý thức được những mối đe dọa đối với bản thân để phòng tránh.
Tuân thủ quy định về an toàn lao động sẽ hạn chế được tai nạn thương tâm
Số liệu từ Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết chỉ trong 3 quý đầu năm 2014, đã có 33 vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng trong tổng số 58 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm hơn 57%. Một con số khiến nhiều người cảm thấy thật nặng nề.
Đội một cái mũ bảo hộ, mang một đôi giày, thắt một sợi dây... nhẹ nhàng biết mấy so với cái chết nhưng nhiều người không làm. Và đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mùa xuân này và mãi mãi những mùa xuân sau, nhiều người bạn của tôi không thể về bên gia đình...
Bình luận (0)