Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ngày 8-6-2020, với 458/460 phiếu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO.
Công ước số 105 được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 25-6-1957 tại Geneva, Thụy Sỹ. Công ước 105 là Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức với 10 điều khoản.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.
ILO đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 105. Ảnh: ILO
Như vậy, tính đến thời điểm này tổng số công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam phê chuẩn là 7/8 công ước. Công ước số 105 bổ sung cho Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức, một công ước cơ bản khác đã được Việt Nam phê chuẩn vào năm 2007.
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn công ước 105, ILO đã lên tiếng đánh giá với phê chuẩn này, Việt Nam đang chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức.
Việc phê chuẩn lần này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh con số ước tính toàn cầu của ILO cho thấy khẩn thiết phải thực hiện các biện pháp hiệu quả, khẩn cấp để xóa bỏ lao động cưỡng bức.
"Việc phê chuẩn Công ước 105, Việt Nam đang tiến dần tới đạt được việc làm thỏa đáng và thực hiện được ở cấp quốc gia các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên Hợp Quốc", bà Corrine Vargha, Trưởng ban Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế của ILO chia sẻ.
25 triệu nạn nhân lao động cưỡng bức toàn cầu
Số liệu ước tính của ILO cho thấy có gần 25 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới. Trong đó, 16 triệu người bị bọc lột trong khu vực tư nhân như lao động giúp việc gia đình, ngành xây dựng và nông nghiệp; 4,8 triệu người bị bóc lột lao động tình dục, và 4 triệu người bị cưỡng bức lao động do các cơ quan nhà nước áp đặt. Trong khu vực tư nhân, lao động cưỡng bức tạo ra mức lợi nhuận phi pháp lên tới 150 triệu USD mỗi năm.
Bình luận (0)