"Nhà cửa người ta đã xiết nợ rồi, vì trước đây bố mẹ có vay tiền để đóng cho tôi đi du học nhưng đã bị lừa. Giờ tôi phải đi bốc vác kiếm cơm qua ngày". Đó là tâm sự của anh Lê Hữu Nghị (SN 2000; ngụ xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đang làm bốc vác thuê ở cảng cá Gianh - một trong những nạn nhân bị lừa khi có nhu cầu đi du học hoặc xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Rửa bát, bốc vác thuê để trả nợ
Anh Nghị sinh ra trong một gia đình nghèo, khi học hết THPT, anh muốn được sang nước ngoài du học hoặc làm việc với hy vọng đổi đời. Tháng 3-2020, qua người thân, anh quen một người đàn ông tên Hiền (ngụ ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - người chuyên môi giới XKLĐ cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DVC (địa chỉ ở quận 3, TP HCM). Tại đây, anh Nghị nộp hồ sơ xin đi du học tại Úc và được thông báo phải nộp lệ phí 313 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa bị lừa xuất khẩu lao động hơn 300 triệu đồng
Không có tiền đóng phí, gia đình anh đã thế chấp căn nhà cấp 4 ở quê và vay mượn thêm người thân một ít để đóng học phí và các khoản lệ phí khác cho anh. Nhận tiền, công ty này cam kết nếu "trượt" visa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, giấy tờ liên quan.
Thế nhưng khi học xong, anh Nghị không thấy công ty này có động thái gì để đưa học viên sang Úc du học như cam kết. Trong 2 năm qua, anh liên tục gọi điện đến công ty này nhưng không có kết quả. Nghi ngờ, anh Nghị nhờ người quen ở TP HCM đến trụ sở của công ty để hỏi tình hình thì được biết doanh nghiệp đã chuyển đi nơi khác. Mất thông tin liên lạc, khi đó anh mới biết mình bị lừa.
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1987; ngụ thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch), phải gánh món nợ hơn 350 triệu đồng vì bị lừa XKLĐ. Năm 2019, qua lời giới thiệu, chị Hoa biết được ông Nguyễn Văn Khiếng và ông Hoàng Quốc Mạnh (ông Khiếng là cha dượng của ông Mạnh).
Vì là người cùng xã nên sau khi biết được nhu cầu của chị Hoa, ông Khiếng đã tìm gặp và giới thiệu ông Mạnh đang làm việc tại CHLB Đức, có thể đưa chị sang Đức để làm việc. Tin tưởng ông Khiếng và biết ông Mạnh đang làm việc tại Đức, chị Hoa đã mượn sổ đỏ của mẹ đẻ để thế chấp ngân hàng và 4 lần chuyển tiền cho 2 người này với tổng số tiền là 12.500 euro (hơn 300 triệu đồng).
Tuy nhiên đã 3 năm qua, chị Hoa không sang được Đức như cam kết, nhiều lần chị tìm gặp ông Khiếng, liên hệ với ông Mạnh để đòi lại tiền nhưng đều không có kết quả. Đau lòng hơn khi hằng ngày, chị phải rửa bát thuê để kiếm tiền trả số nợ hơn 300 triệu đồng cho ngân hàng. "Qua liên lạc trên Facebook, ông Mạnh hứa sau khi tôi nộp đủ số tiền 12.500 euro thì sẽ có visa để bay. Vì tin tưởng người cùng xã, cùng với sự hứa hẹn là sẽ làm được giấy tờ để đi, nếu không đi được, họ sẽ trả tiền lại nên tôi rất tin tưởng…" - chị Hoa nức nở.
Tránh "tiền mất tật mang"
Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, cho biết đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa tố cáo bị lừa XKLĐ, địa phương đã giao cho công an xã xem xét, xử lý và báo cáo công an huyện nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Ông Hoàng Quốc Mạnh không có pháp nhân đưa người đi XKLĐ mà nhận tiền của chị Hoa để thực hiện là trái pháp luật. Việc ông Khiếng, ông Mạnh nhận tiền của chị Hoa là có thật. Xã đề nghị hai bên hòa giải, tự thỏa thuận trên phương diện tình cảm, đừng để pháp luật can thiệp thì sự việc sẽ phức tạp thêm" - ông Huấn nói.
Theo ông Huấn, riêng tại xã Thanh Trạch, nhiều năm qua, XKLĐ luôn là lựa chọn của nhiều người dân, đặc biệt là lao động trẻ. Đây là hướng đi góp phần giải quyết vấn đề việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, một vài trường hợp chọn đi XKLĐ không qua các kênh chính thống mà là các trung tâm môi giới, tư vấn không rõ ràng nên đã bị lừa, trường hợp anh Nghị là một ví dụ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có khoảng 11.500 lao động đang làm việc tại nước ngoài, tập trung ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…Trên thực tế, đã có không ít gia đình đổi đời nhờ có người thân đi XKLĐ. Nhưng ngược lại cũng có không ít người "sống dở chết dở" vì giấc mơ xuất ngoại.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, cho biết thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu của người dân để tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Trong khi đó, nhiều người có nguyện vọng đi nước ngoài làm việc lại không đến các doanh nghiệp, trung tâm uy tín, được cấp phép mà thông qua môi giới, điều này dẫn đến nhiều rủi ro.
Bà Lan khuyến cáo người lao động khi có nhu cầu đi nước ngoài học tập và làm việc cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, đến các trung tâm có uy tín, các đơn vị chức năng để được tư vấn, nhằm tránh tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Tìm hiểu kỹ công ty môi giới
Theo ông Hoàng Văn Bắc - đại diện chi nhánh một công ty XKLĐ đóng trên địa bàn TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), các công ty XKLĐ uy tín tư vấn rất rõ ràng lộ trình phỏng vấn và các khoản chi phí. Thông thường, NLĐ chỉ đóng một khoản tiền không lớn gọi là tiền "giữ chân" tham gia phỏng vấn, phần còn lại khi chuẩn bị xuất cảnh mới đóng. Vì vậy, khi NLĐ chưa được phỏng vấn hoặc không được phỏng vấn, không được thông báo thời gian xuất cảnh và ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động thì không nên đóng tiền cho các công ty môi giới, tránh bị lừa đảo.
Bình luận (0)