Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét (đóng tại KCN Việt Nam - Singapore II, TP Thủ Dầu Một) được phát hiện là ổ dịch lớn nhất tại tỉnh Bình Dương, với gần 420 ca mắc Covid-19 và hơn 4.000 công nhân (CN) đang bị cách ly. Công ty đã bố trí cho 2.500 CN ăn, ở, sinh hoạt ngay tại công ty để vừa phòng chống dịch vừa sản xuất.
Khuyến khích công nhân ở lại nhà máy
Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét hiện có 5 nhà máy tại tỉnh Bình Dương, trong đó nhà máy tại KCN Việt Nam - Singapore II) là nơi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất. Bà Đinh Thị Châu, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét, cho biết đa phần CN đều ở trọ nên nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Do vậy, Ban Giám đốc quyết định dọn dẹp nhà xưởng để bố trí chỗ ở cho họ, đồng thời mua sắm dầu gội, xà bông, kem đánh răng, nước uống… và lo 3 bữa ăn/ngày. "Hiện tinh thần của anh chị em CN đã ổn định hơn và dần quen với nếp sống tại công ty. Ngoài thời gian làm việc, CN còn tranh thủ tập thể dục để nâng cao sức khỏe" - bà Châu nói.
Tại Công ty CP Trần Đức (chuyên sản xuất gỗ, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An), hàng trăm CN đã được ban giám đốc vận động ở lại nhà máy. Công ty bố trí chỗ ăn nghỉ, tăng phụ cấp, hỗ trợ bữa ăn cho CN. Ai không đăng ký sẽ được tạm thời ở nhà, chờ hết dịch sẽ đi làm lại để tránh lây nhiễm cho những lao động ở lại nhà máy.
Công ty TNHH Earth Corporation VN (KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên) quyết định lì xì 5,5 triệu đồng cho tất cả CN ở lại công ty làm việc. Ngoài 4 bữa ăn mỗi ngày, các chế độ lương, thưởng, tăng ca... đều được công ty duy trì. CN thích ăn món gì, nhà bếp phục vụ đúng yêu cầu. Các loại nước uống, sữa được cung cấp đầy đủ cho CN. Công đoàn công ty còn đứng ra tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giải trí cho CN thư giãn. Hệ thống WiFi phủ khắp công ty để CN giải trí, gọi điện, cập nhật thông tin dịch bệnh. Tổng giám đốc công ty dù không đến nhà máy được, nhưng đã viết tâm thư gửi động viên người lao động nỗ lực cống hiến cho công ty trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.
Từ ngày 4-7, Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN Việt Nam - Singapore II, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho toàn bộ hơn 700 lao động và bắt đầu cho CN ở lại trong thời gian 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19. CN ở lại được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày và cung cấp 3 bữa ăn/ngày. Công ty cũng tăng cường thêm sữa, nước uống, vitamin C để CN tăng sức đề kháng. Nơi nghỉ ngơi của CN được lắp máy lạnh với đầy đủ mùng, mền và các vật dụng sinh hoạt cần thiết.
Tập thể lao động Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét thể hiện quyết tâm chống dịch, bảo đảm tiến độ sản xuất
Bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho công nhân
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận gần 1.400 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến hơn 360 nhà máy. Hiện đã có 46 DN bố trí cho gần 7.000 CN ở lại làm việc. Địa phương này cũng ghi nhận hàng chục khu nhà trọ CN, hàng chục ngàn CN bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc diện F0, F1, F2 và trong các khu phong tỏa đang phải nghỉ việc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã có công văn yêu cầu Công đoàn các cấp phối hợp với DN thực hiện nghiêm quy định của Ban Quản lý các KCN tỉnh và các ngành chức năng trong việc test Covid-19 nhanh tại DN. Đồng thời, đề xuất DN xem xét việc bố trí từ 20% đến 50% CN ở lại DN để bảo đảm chuỗi cung ứng, không bị đứt gãy sản xuất. Trong điều kiện thuận lợi có thể bố trí cho CN làm việc và ở lại DN, trừ những trường hợp đặc biệt. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các Công đoàn tích cực phối hợp với DN khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại DN và các "Tổ an toàn Covid" tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất để hỗ trợ DN và giám sát công tác phòng dịch tại cơ sở cũng như làm cầu nối cho ngành y tế địa phương truy vết, xét nghiệm khi có dịch.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dươn,g cho biết để CN có đủ nhu yếu phẩm và giảm tải cho các địa phương khi giãn cách tại các chợ, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cấp Công đoàn xem xét việc bố trí gian hàng giá ưu đãi, gian hàng giá gốc, gian hàng 0 đồng tại DN. Bên cạnh đó, LĐLĐ các huyện, thị xã, TP cần chủ động phối hợp và chỉ đạo Công đoàn cơ sở UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể, các địa phương cấp xã, khu phố hình thành các gian hàng giá ưu đãi, gian hàng giá gốc, gian hàng 0 đồng ngay tại địa bàn các khu phố, ấp, khu nhà trọ…, nhất là những khu vực có đông CN đang bị ảnh hưởng của dịch nhằm tạo điều kiện cho CN mua sắm nhu yếu phẩm thuận lợi, cũng như bảo đảm việc giãn cách.
Thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 trong DN tại đường dẫn http://qlcn.binhduong.gov.vn. 10 DN có số lượng CN từ 1.000 đến 10.000 người tại KCN Sóng Thần I, II và KCN Việt Nam - Singapore được lựa chọn triển khai thí điểm phần mềm này. Các DN lựa chọn nhân sự làm đầu mối tiếp nhận tài khoản phần mềm từ Sở Thông tin và Truyền thông và thực hiện cập nhật dữ liệu NLĐ cùng các biến động liên quan hằng ngày trên phần mềm theo hướng dẫn của sở.
Phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 cho DN hoạt động với mục đích giúp UBND tỉnh quản lý chặt chẽ số lượng CN theo từng DN, quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và lịch trình di chuyển trên phương tiện ôtô đưa đón, khi phát hiện có trường hợp nhiễm Covid -19 sẽ kịp thời khoanh vùng, cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh.
Bình luận (0)