Từng là hướng dẫn viên (HDV) chuyên dẫn tour cho khách du lịch Nhật Bản, chị Trịnh Tú Trinh (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đành ngậm ngùi chuyển sang bán hàng handmade online từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP Đà Nẵng vào năm 2020. Đến đầu năm 2021, khi tình hình dịch tạm lắng và TP Đà Nẵng lên kế hoạch đón khách du lịch, chị Trinh rất háo hức quay trở lại công việc cũ. Thế nhưng, khi đơn xin việc còn chưa được duyệt thì chị lại phải chịu cảnh thất nghiệp khi TP Đà Nẵng phát hiện ca Covid-19 mới trong cộng đồng.
Xoay xở đủ kiểu
Đầu tháng 4-2021, anh Trần Huy Toàn, nhân viên lễ tân (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), được chủ một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp gọi trở lại đi làm. Là người có kinh nghiệm, giao tiếp tốt nhưng anh Toàn vẫn chấp nhận mức lương khoảng 6 triệu đồng (chưa tính phụ cấp) để có việc làm. Anh Toàn cho rằng mình may mắn khi xung quanh còn rất nhiều đồng nghiệp vẫn chưa có việc làm. Tuy nhiên, chưa nhận được lương tháng đầu tiên thì khách sạn đã thông báo đóng cửa.
Hết cách, anh Toàn chuyển sang làm shipper mặt hàng thực phẩm công nghệ. Mỗi ngày, chỉ cần giao 15 - 20 đơn hàng, anh Toàn kiếm được từ 300.000 đến 400.000 đồng. "Thu nhập cũng khá nhưng tôi vẫn mong dịch qua mau để trở lại với công việc ưa thích" - anh Toàn nói.
TP Đà Nẵng xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ tài xế taxi, Grab và shipper trên địa bàn
Anh Trần Đình Huy (tài xế xe du lịch 7 chỗ) cho biết nếu dịch không tái bùng phát thì anh sống khỏe với nghề. Thường ngày, anh Huy đưa khách đến các điểm du lịch như Bà Nà Hills, Hội An… kiếm được từ 250.000 - 350.000 đồng/chuyến. Từ khi các điểm du lịch đóng cửa vì dịch, anh đành chuyển sang làm shipper giao thức ăn. Khi TP Đà Nẵng yêu cầu hàng quán chỉ bán mang về, anh Huy nhận đơn hàng liên tục và thu nhập rất khá. Thế nhưng, đến ngày 17-5, khi TP Đà Nẵng quyết định dừng hoạt động shipper để bảo đảm an toàn phòng dịch thì anh Huy chính thức thất nghiệp. "Khó đến mấy tôi cũng xoay xở được nhưng đến thời điểm này mới cảm nhận được gánh nặng cơm áo gạo tiền. Thỉnh thoảng vẫn có những mối "ruột" nhờ ship hàng nhưng tôi không dám nhận. Biết là khó khăn hơn nhưng mình phải chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19" - anh Huy chia sẻ.
Tăng cường hỗ trợ người lao động
Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng hiện có hơn 1.700 hội viên chính thức. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc làm, đời sống của HDV bị ảnh hưởng. Nhằm san sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng đã sớm đề xuất UBND TP Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ.
Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng đã thông qua gói vay ưu đãi cho lao động trong ngành du lịch, bao gồm các công ty du lịch, các nhà xe thuộc hội vận chuyển và nhân viên khách sạn, hiệp hội khách sạn… Mỗi thành viên Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng được vay 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng, thời hạn 5 năm. Hiện Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng đang thu thập khảo sát để tìm hiểu nhu cầu vay vốn của hội viên, từ đó xây dựng các biện pháp hỗ trợ các cá nhân, tập thể làm hồ sơ vay vốn.
"Hội cũng đã đề xuất với Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng và Sở Du lịch TP hỗ trợ mở lớp học miễn phí để chuyển đổi ngành nghề cho người có nhu cầu như các lớp học mô hình thiết kế kinh doanh, lớp chuyển đổi phục vụ khách nội địa. Bản thân mỗi HDV đều ý thức việc tìm kiếm công việc khác để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Do vậy, chính sách hỗ trợ của TP càng căn cơ thì càng giúp đỡ họ thiết thực hơn" - ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng, cho biết.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, để ổn định cuộc sống NLĐ, Chính phủ cần sớm triển khai các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 như: khoanh, giãn nợ, giảm thuế GTGT. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương xin giảm giá điện cho các hoạt động dịch vụ du lịch.
"Đây là chính sách rất lớn, mang quy mô toàn quốc. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có quyết sách giống như từng làm vào năm 2020, đã giảm hơn 30% giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch" - ông Dũng cho biết.
Giám sát chi trả lương cho người lao động
Trước tình hình nhiều lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch - dịch vụ bị mắc Covid-19, các cấp Công đoàn TP Đà Nẵng đã chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền chuyên môn cùng cấp, người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã giám sát việc chi trả lương cho NLĐ là các F0, F1 và F2 đang bị cách ly ở các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)