27 năm gắn bó cùng doanh nghiệp (DN), anh Nguyễn Duy Cường, Quản đốc xưởng 2 Công ty CP Hợp tác Kinh tế và Xuất khẩu Savimex (quận 1, TP HCM), không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu sáng kiến. "Sáng kiến là công sức của cả tập thể và nó chỉ có giá trị khi tiết kiệm được công lao động, đồng thời đóng góp thiết thực vào sự phát triển của doanh nghiệp (DN)" - anh Cường bộc bạch.
Anh Cường là điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ vừa được LĐLĐ quận 1, TP HCM tuyên dương.
Gian nan rèn bản lĩnh
Tốt nghiệp trung cấp cơ khí, năm 1993, anh Cường vào Công ty CP Hợp tác Kinh tế và Xuất khẩu Savimex làm việc. Với tinh thần chịu khó và chí tiến thủ, anh từng bước khẳng định được năng lực chuyên môn, được ban giám đốc và tập thể lao động tin cậy.
Nhờ liên tục được luân chuyển qua nhiều bộ phận khác nhau, anh có thêm cơ hội mở mang kiến thức và nắm bắt công nghệ mới. Cũng chính những trải nghiệm ấy giúp anh cho ra đời những sáng kiến cải tiến có tính ứng dụng cao, tiết kiệm và làm lợi hàng tỉ đồng cho DN.
Năm 2018, khi ban giám đốc công ty phát động cuộc thi sáng kiến cải tiến trong công nhân, anh Cường hăng hái tham gia với sáng kiến thiết kế "Dây chuyền sản xuất chân giường Amazon". Trước đây, do các công đoạn sản xuất tách rời nhau nên công nhân (CN) mất nhiều thời gian và công sức để có thể hoàn thiện sản phẩm.
Anh Nguyễn Duy Cường (trái) kèm cặp công nhân trong giờ làm việc
Với ý tưởng hết sức độc đáo là ghép các công đoạn sản xuất lại với nhau bằng băng tải, anh đã giúp CN tiết kiệm thời gian di chuyển và nâng cao năng suất lao động. Chỉ tính riêng sáng kiến này đã làm lợi cho công ty gần 400 triệu đồng/năm. Sáng kiến cũng đã đoạt giải nhất cuộc thi và giành phần thưởng trị giá 20 triệu đồng. Đó chỉ là một trong 28 sáng kiến do anh Cường thực hiện trong 2 năm gần đây. Ước tính, các sáng kiến, cải tiến của anh làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng.
Dù gặt hái khá nhiều thành công song anh Cường vẫn hết sức khiêm tốn. "Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng và anh em CN cùng chung tay thực hiện. Tinh thần gắn kết ấy giúp chúng tôi trở thành một khối thống nhất để cùng vượt qua mọi khó khăn trong quá trình sáng tạo" - anh Cường bộc bạch.
Với anh Lê Trần Phúc Lâm, anh Cường là một người anh, một đồng nghiệp đáng kính. "Những lúc khó khăn nhất, anh Cường luôn thể hiện tinh thần vượt khó, đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Anh Cường còn là chỗ dựa cho thợ trẻ, biết thổi ngọn lửa đam mê nghề nghiệp để giúp họ tự tin, trưởng thành hơn" - anh Lâm nhận xét.
Gắn kết trách nhiệm
Trong các DN hoạt động trong ngành giấy tại TP HCM, Công ty TNHH Giấy Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM) nổi lên là đơn vị tự lực tự cường trong sản xuất, chế tạo thiết bị sản xuất. Công ty chỉ mua sắm những thiết bị không thể chế tạo được và điều này giúp tiết kiệm một khoản đầu tư không nhỏ. Thành công chung ấy có đóng góp đáng kể của tổ cơ khí.
Ở công ty, tổ cơ khí không chỉ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì mà còn phải thiết kế, chế tạo máy móc theo yêu cầu của ban giám đốc. Hiểu được trách nhiệm nặng nề ấy nên các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần gắn kết trách nhiệm, sẵn sàng sẻ chia khó khăn trong công việc. Thành công gần đây nhất của tổ là chế tạo, lắp ráp khung bao che dàn lô sấy máy xeo 3.
Tận dụng vật tư cũ, tổ trưởng Lưu Anh Kiệt và anh em CN đã mày mò, chế tạo thành công khung bao che, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn do ban giám đốc đưa ra. Việc đưa vào sử dụng thiết bị đã làm lợi cho công ty khoảng 250 triệu đồng/năm. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đặc biệt là đam mê sáng tạo của từng thành viên trong tổ đã giúp ban giám đốc có cái nhìn đầy đủ hơn về hiệu quả các phong trào thi đua do Công đoàn phát động.
Bình luận (0)