Vụ tai nạn lao động do điện giật xảy ra cách đây 26 năm khiến anh công nhân (CN) cơ khí Trần Hữu Huân (Công ty Thép Miền Nam), bị chấn thương cột sống, liệt toàn thân với tỉ lệ thương tật 81%. "Tỉnh dậy trong bệnh viện, tinh thần tôi hoàn toàn suy sụp bởi ngay đến cả việc sinh hoạt bình thường, vệ sinh cá nhân tôi còn không thể tự lo cho mình được. Rất may là tôi còn có vợ con động viên, chăm sóc" - anh Huân kể lại.
Điểm tựa gia đình
Thời điểm bị tai nạn, con gái anh là Trần Thị Phương Khanh mới 9 tháng tuổi, còn vợ thì mới vừa hết thời gian nghỉ hộ sản. Đang là trụ cột trong gia đình bỗng dưng trở thành tàn phế, anh bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng.
Hơn 5 năm điều trị tại bệnh viện, vợ anh là người luôn túc trực, chăm sóc, còn con gái nhỏ thì gửi bà ngoại trông hộ. Năm 2000, với sự chăm sóc tận tình của bác sĩ, anh có thể ngồi trên xe lăn và được cho về nhà điều trị. Thế nhưng, một thời gian dài thì bệnh tình vẫn không thuyên giảm khiến anh chỉ có thể nằm một chỗ. Gánh nặng sinh kế dồn hết lên đôi vai người vợ. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và chữa trị cho chồng, vợ anh mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Số phận như trêu ngươi khi năm năm 2004, vợ anh bị phát hiện bệnh tim và phải mổ. Vậy là cả gia đình chạy vạy lo chi phí phẫu thuật.
Bảy năm sau, giông tố lại đến khi vợ anh bị bệnh ung thư vú, cuộc sống gia đình đã khó lại thêm khó. Chi phí chữa bệnh quá cao khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, vợ chồng anh phải cầm cố căn nhà nhỏ. Cố gắng chống chọi lắm nhưng vợ anh chỉ trụ lại đến năm 2015 thì qua đời. Mẹ mất nên cô con gái duy nhất của anh sau khi tốt nghiệp đại học phải ở nhà quản lý tiệm tạp hóa và tiện bề chăm sóc cha. Tiền lời từ tiệm tạp hóa nhỏ không đáng là bao nhưng hai cha con vẫn rất lạc quan, cố gắng cùng vượt khó.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Huân cho biết con gái chính là chỗ dựa duy nhất giúp anh vượt qua nỗi đau thể xác. Hay tin mình được chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động hỗ trợ, anh Huân xúc động không nói nên lời. "Cuộc sống trước mắt còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi tin cha con tôi sẽ vượt qua được. Cảm ơn chương trình đã quan tâm, chia sẻ với những CN không may như tôi, nhất là thời điểm cận Tết" - anh Huân bày tỏ.
Sau tai nạn, anh Trần Hữu Huân vẫn sống lạc quan
Mong có việc làm phù hợp
30 tuổi, đang có công việc ổn định và dự kiến sẽ lập gia đình, thế nhưng vụ tai nạn giao thông đã khiến cuộc đời anh La Hải Lam, CN Công ty TNHH PungKook Sài Gòn 1 (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM), rơi vào vực thẳm.
Năm 2006, anh Lam chính thức vào làm việc tại Công ty TNHH PungKook Sài Gòn 1. Năm 2017, trên đường đến công ty làm việc, anh bị một chiếc ôtô đâm phải, kéo lê trên đường và ngất đi. Tỉnh lại ở bệnh viện, anh rất sốc khi biết chân phải không thể đi lại bình thường (tỉ lệ thương tật 45%). Sau 2 tháng nằm viện điều trị, anh được về nhà, song di chứng sau vụ tai nạn khiến anh đi lại hết sức khó khăn. Chân phải thường xuyên đau nhức nên anh không thể làm việc nặng nhọc, buộc phải nghỉ việc ở nhà. Cánh cửa nghề nghiệp đóng lại khiến anh mất phương hướng. Thế nhưng, được sự động viên của người thân, anh cố gắng điều trị, tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường. Hằng ngày, ngoài việc phụ giúp chị gái làm những việc lặt vặt trong nhà, anh sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, miễn là có tiền. "Việc làm bấp bênh nên bữa đói bữa no song tôi luôn tự động viên mình phải vươn lên để sống có ích". Khi chúng tôi hỏi có mong ước gì, anh Lam bộc bạch: "Tôi chỉ mong tìm được công việc phù hợp hoặc một chiếc xe máy để chạy xe ôm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình".
Hai năm qua, cứ đến Tết là anh lại chạnh lòng vì điều kiện hiện tại không cho phép anh mua được tấm áo hay chiếc quần mới. Vì vậy, biết mình được nhận sự hỗ trợ từ chương trình "Xuân Nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động, anh Lam rất cảm kích: "Sự hỗ trợ kịp thời của Báo Người Lao Động sẽ giúp tôi có một cái Tết ý nghĩa và ấm áp".
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Lan tỏa ý nghĩa nhân văn
Hòa nhịp với hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn TP, từ năm 2018, Báo Người Lao Động đã chủ động khởi xướng chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" nhằm động viên anh chị em CN không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Qua tiếp xúc với các anh chị, tôi rất khâm phục ý chí vươn lên để vượt qua nghịch cảnh, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Từ hiệu ứng của công tác chăm lo và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, có thể khẳng định đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lan tỏa trong cộng đồng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-1
Kỳ tới: Đừng từ bỏ ước mơ
Bình luận (0)