Tích cực hưởng ứng năm "Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn (CĐ)" do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP HCM phát động, tháng 8-2018, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã chính thức khởi động chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" nhằm san sẻ khó khăn với công nhân (CN) bị tai nạn lao động (TNLĐ). Biết được mục đích của chương trình, nhiều doanh nghiệp (DN) và mạnh thường quân tại TP HCM và các tỉnh đã chủ động liên hệ, bày tỏ mong muốn được chung tay góp sức. "Đến thời điểm này, chương trình đã nhận được 620 triệu đồng đóng góp từ các nhà hảo tâm, các DN. Từ nguồn ủng hộ này, Báo Người Lao Động sẽ trao 60 phần quà, mỗi phần trị giá 5 triệu đồng đến tận tay CN bị TNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp anh, chị em có một cái Tết thật ấm cúng" - ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết.
Cộng đồng trách nhiệm
Hầu hết DN và mạnh thường quân đánh giá cao ý nghĩa của chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương".
Ông Dương Văn Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao quà của chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương” cho công nhân bị tai nạn lao động tại tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Là một trong những đơn vị đầu tiên hưởng ứng chương trình, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO), bày tỏ: "TNLĐ trở thành nỗi đau dai dẳng của nhiều gia đình. Hệ lụy của nó không chỉ là nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha mà còn là gánh nặng mưu sinh khi chẳng may trụ cột gia đình mất đi hoặc bị thương tật nặng. Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" do Báo Người Lao Động khởi xướng là việc làm ý nghĩa, tiếp thêm động lực sống và làm việc cho CN bị TNLĐ".
Cùng suy nghĩ, khi trực tiếp đến Báo Người Lao Động trao 20 triệu đồng ủng hộ chương trình, bà Nguyễn Ngọc Lan Chi, mẹ Hoa hậu Hoàn vũ nhí Ngọc Lan Vy, xúc động: "TNLĐ khiến nhiều gia đình CN lâm vào khó khăn song điều đáng quý là họ vẫn vươn lên, sống có ích cho đời. Đồng hành cùng Báo Người Lao Động, gia đình mong muốn góp sức san sẻ khó khăn với các anh, chị em CN không may bị TNLĐ".
Đó cũng là tâm nguyện của các DN đồng hành với chương trình. Tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo các đơn vị như Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất, Công ty CP Phát triển Hùng Hậu, CĐ Tổng Công ty Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty Bảo Việt Nhân Thọ, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107... khẳng định việc chung tay xoa dịu nỗi đau với CN bị TNLĐ cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với cộng đồng.
Chương trình cũng nhận được sự đồng thuận cao của LĐLĐ các tỉnh, thành ngay khi phát động. Bà Huỳnh Thị Nam Khánh, Chủ tịch CĐ các Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế (KCN-KKT) tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: "Các KCN-KKT tỉnh hiện có hơn 12.000 lao động; thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát, tỉ lệ CN có hoàn cảnh khó khăn chiếm gần 50%. Làm việc trong môi trường lao động công nghiệp nên họ thường xuyên đối diện với nguy cơ TNLĐ. Với những trường hợp không may bị TNLĐ, họ rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia từ cộng đồng. Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" đến với anh, chị CN bị TNLĐ rất kịp thời, giúp họ có một cái Tết trọn vẹn".
Tết ấm cúng
60 CN đầu tiên nhận được sự hỗ trợ từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" năm nay có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong số họ, nhiều người vẫn phải chịu đựng nỗi đau thể xác kéo dài do di chứng TNLĐ. Thế nhưng, điều đáng trân trọng là họ không bao giờ bỏ cuộc, luôn tìm mọi cách để vượt qua nghịch cảnh để sống vui, sống có ích.
Tại chương trình "Tết sum vầy" mừng Xuân Kỷ Hợi do LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, tại KCN Suối Dầu, khi được mời lên nhận tiền hỗ trợ từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương", chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, CN Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất, không kìm được xúc động. Cách đây hơn 3 tháng, trong khi dùng cơm trưa ở căng-tin, chị Dung bị cửa cuốn rơi trúng. Vụ tai nạn khiến chị chấn thương ở đầu, phải nằm viện điều trị hơn 1 tháng, sức khỏe vì thế cũng sụt giảm. Trở lại làm việc, chị vẫn thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ. Do phải một mình nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn nên chị cố chịu đựng. Buổi sáng chị phải giúp mẹ buôn bán trái cây để kiếm thêm, chiều đi làm ở công ty đến 10 giờ đêm mới về. "Lương mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, một mình nuôi 2 con, chỉ riêng tiền học của con đã tốn 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại khá eo hẹp nên gia đình rất chật vật. Sự hỗ trợ của chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" lúc này rất có ý nghĩa đối với mẹ con em" - chị Dung bộc bạch.
Cũng vui không kém là chị Nguyễn Hoài Cẩm Giang, CN Công ty TNHH Komega - X. Vụ TNLĐ xảy ra cách đây không lâu khiến chị bị chấn thương nặng vùng đầu với tỉ lệ thương tật 59%. Gia cảnh chị rất khó khăn khi mẹ ruột bị tật nguyền, chồng lại đi làm xa. Sức khỏe giảm sút rõ rệt, thường xuyên chóng mặt nhưng chị vẫn cố gắng làm việc để lo cho gia đình. "Được chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" hỗ trợ, tôi rất vui. Sự quan tâm, sẻ chia kịp thời của Báo Người Lao Động, các DN và mạnh thường quân đã giúp gia đình tôi có một cái Tết tươm tất hơn" - chị Giang bày tỏ.
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Đậm tính nhân văn
TNLĐ khiến người lao động phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sức khỏe và tương lai. Thế nhưng, điều đáng khâm phục là các anh, chị ở đây vẫn kiên cường chiến đấu hằng ngày, hằng giờ để vượt qua khó khăn, mất mát và tiếp tục sống có ích cho gia đình, xã hội.
Khởi động một chương trình đậm tính nhân văn như "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" là sáng kiến hay, thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo của Ban Biên tập Báo Người Lao Động trong nỗ lực kề vai sát cánh cùng tổ chức CĐ TP trong việc chăm lo CN khó khăn, đặc biệt là CN bị TNLĐ trước thềm năm mới. Đồng hành cùng Báo Người Lao Động, nhiều nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã chung tay góp sức san sẻ nỗi đau mất mát về thể xác lẫn tinh thần của CN bị TNLĐ. Nghĩa cử này của các DN, các mạnh thường quân rất đáng trân trọng, biểu dương.
Bình luận (0)