Đó là chia sẻ của TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) phát biểu tại hội thảo "Xây dựng kế hoạch hành động xanh hóa đào tạo nghề Việt Nam" mới diễn ra tại Hoà Bình.
TS Dũng nói: "Xanh hóa đào tạo nghề là chìa khóa cho phát triển bền vững và là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, hướng tới thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đây là một tiến trình mới yêu cầu các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những hành động cụ thể, dựa trên ý kiến thống nhất của các bên liên quan".
Các học viên học nghề trong một tiết học thực hành.
Một nền kinh tế xanh yêu cầu người lao động phải thay đổi và bổ sung những kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc mới. Điều này đòi hỏi một hệ thống đào tạo nghề xanh với nhiều nhân tố mới như việc tích hợp các yêu cầu xanh vào các chương trình đào tạo nghề, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, các cơ sở GDNN triển khai các phương pháp quản trị và vận hành đào tạo và cơ sở vật chất thân thiện với môi trường, và có thể cả việc xây dựng và đào tạo nghề xanh mới.
Đó là một số những nội dung mà các đại biểu đã cùng nhau thảo luận tại hội thảo, với sự điều hành của chuyên gia người Đức, TS Klaus-D.Mertineit. Các kết quả thảo luận và một số yêu cầu khác là cơ sở quan trọng để đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể sẽ được Tổng cục GDNN thực hiện trong năm năm tới.
Các đại biểu cho rằng hiện đã có một số chính sách liên quan đến xanh hóa đào tạo nghề, tuy nhiên còn rời rạc và thiếu tính hệ thống. Vì vậy, cần phải xác định rõ ràng mục tiêu và các bên liên quan sao cho phù hợp với kế hoạch hành động "Tăng trưởng Xanh" do Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng, liên quan đến thị trường lao động.
Bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam" nhấn mạnh: "Khối doanh nghiệp là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, do đó ở cả cấp nhà nước và cấp cơ sở, cần thúc đẩy hợp tác với khối doanh nghiệp và đưa xanh hóa như một nội dung của hợp tác này. Ví dụ, hoạt động lồng ghép các yếu tố xanh có thể được thực hiện thông qua hội đồng doanh nghiệp của từng nghề hoặc các hội đồng ngành. Những hội đồng này sẽ phối hợp với các cơ sở GDNN phát triển những chương trình đào tạo xanh cũng như hỗ trợ Tổng cục GDNN phát triển chiến lược và khung pháp lý cho xanh hóa đào tạo nghề".
Hội thảo đã ra "Bản kế hoạch hành động xanh hóa đào tạo nghề ở Việt Nam". Đây sẽ là cơ sở cung cấp những định hướng quan trọng giúp các cơ sở GDNN lồng ghép các yếu tố xanh trong các hoạt động. Quan trọng hơn, qua việc cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động, các đối tác đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa hệ thống GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế và một xã hội xanh.
Bình luận (0)