Chiều 16.9, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1157 của Ban Bí thư do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam về công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tham dự có ông Nguyễn Đình Khang – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực và các Phó Chủ tịch Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu.
Quang cảnh buổi làm việc
Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ rõ, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp cho các cấp Công đoàn (CĐ) và đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng. Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, tổ chức thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính của CĐ Việt Nam, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ đoàn viên, người lao động (NLĐ). Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy CĐ các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả gắn với việc đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động
Ông Nguyễn Đình Khang – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi công bố kết quả của Đoàn kiểm tra, các đại biểu tiếp tục khẳng định ưu điểm, làm rõ thêm những hạn chế và bổ sung kiến nghị, đề xuất với Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư.
Sau khi nghe các đại biểu góp ý, ông Phan Đình Trạc đánh giá 3 ưu điểm nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam. Một là, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam dân chủ, đoàn kết, thống nhất với quyết tâm chính trị rất cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các Quy định về nêu gương, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, qua đó giúp cho các cấp công đoàn, đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và gương mẫu trong công tác. Hai là, chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và các quy định nêu gương của Trung ương được xây dựng một cách bài bản, cụ thể, phân công trách rõ nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị. Ba là, việc tự phê bình và phê bình đã đi vào nề nếp trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu tinh thần trách nhiệm trong công tác, gương mẫu trong đạo đức, lối sống…
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, ông Phan Đình Trạc đề nghị Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu nghiêm túc, khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời lưu ý 5 vấn đề. Thứ nhất, cần có kế hoạch thật cụ thể để khắc phục hiệu quả những hạn chế mà Đoàn công tác đã chỉ ra, thực hiện có hiệu quả những nội dung Đoàn kiểm tra đã kiến nghị. Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Trung ương về nêu gương; nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho CNVC-LĐ; có nhiều biện pháp linh hoạt, kịp thời hơn cùng các tổ chức trong hệ thống chính trị giải quyết những vụ việc bức xúc, nổi cộm, góp phần tăng cường sức đề kháng cho đoàn viên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và chống phá xuyên tạc. Thứ ba, cần tập trung hoàn thành xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới; rà soát, chấn chỉnh hoạt động các đơn vị kinh tế, sự nghiệp trực thuộc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, tiêu cực, tham nhũng. Thứ tư, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và thực hiện nêu gương vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm; tăng cường kiểm tra, giám sát cùng cấp và kiểm tra cấp dưới, xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức, cá nhân sai phạm và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm đánh giá những kết quả đạt được và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Thứ năm, cần quan tâm chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động và các đoàn thể chính trị trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền..
Thay mặt Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang trân trọng cảm ơn Đoàn kiểm tra đã đánh giá kết quả làm được, chỉ ra kết quả, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Ông Khang cho biết, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiêm túc tiếp thu 8 nhóm nhiệm vụ Đoàn kiểm tra kiến nghị, xem đây là những công việc thường xuyên và cũng là giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Khang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định 1193/QĐ-TTg bổ sung ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương thay ông Bùi Văn Cường, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã nhận nhiệm vụ mới.
Theo Quyết định 168/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nhiệm vụ của Hội đồng là thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức các phong trào thi đua trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Hội đồng định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua, công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước về tổng kết lý luận, thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng.
Đồng thời, Hội đồng có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu tỉnh Anh hùng, thành phố Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Bình luận (0)