“Cả nước hiện có 200 KCX-KCN đang hoạt động với trên 2,7 triệu lao động. Điều đó đặt ra vấn đề nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật… cho người lao động (NLĐ) tại đây là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn (CĐ) tại các KCX-KCN”. Đề án đã lấy ý kiến 6 bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo Thủ tướng và được ủng hộ cao”. Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết như vậy tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp với việc xây dựng các thiết chế phục vụ NLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức ngày 29-12 ở Hà Nội.
Sẽ có nhà 100 triệu đồng
Theo đề án này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ NLĐ và đoàn viên CĐ tại các KCX-KCN gồm: Nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, siêu thị CĐ, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật; khám, bán thuốc, chăm lo sức khỏe cho NLĐ. Theo ông Cường, việc xây dựng các thiết chế phục vụ NLĐ được hưởng những ưu đãi về chính sách đất đai, thuế nên sẽ tiết giảm tối đa chi phí xây dựng. “Có thể có căn hộ chỉ 30 m2, gồm phòng ngủ, phòng khách, bếp, công trình phụ và bán với giá khoảng 100 triệu đồng. Hơn nữa, nơi ở của công nhân sẽ có khuôn viên, cây xanh, sân chơi bãi tập để phục vụ đời sống tinh thần” - ông Cường cho hay.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc xây dựng các thiết chế cho NLĐ cũng nằm trong việc đổi mới hoạt động, tổ chức của tổ chức CĐ trong tình hình mới.
“Việc xây dựng các thiết chế phục vụ NLĐ sẽ được tiến hành khách quan, minh bạch, công khai với sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các địa phương, CĐ các KCX-KCN; bảo đảm chất lượng, mỹ quan, tiến độ” - ông Cường khẳng định.
Công nhân mong mỏi
Chị Lê Ngọc Huế, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long- Hà Nội), cho biết có một căn hộ nhỏ với giá rẻ để an cư là giấc mơ của nhiều NLĐ. Hiện nay, nhiều công nhân ngoài việc phải thuê nhà trọ với giá đắt đỏ, nhà ở ẩm thấp, gửi trẻ rất tốn kém thì nhu cầu vui chơi, giải trí cũng rất khó khăn vì phần lớn phải di chuyển rất xa vào trung tâm thành phố, rất bất tiện; chưa kể tốn kém về chi phí. “Chúng tôi rất mừng và mong mỏi đề án xây dựng các thiết chế phục vụ CNLĐ ở KCX-KCN của tổ chức CĐ nhanh chóng triển khai” - chị Huế thổ lộ.
Bà Trần Thu Phương, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN Hà Nội, cho biết trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 KCN đang hoạt động với hơn 143.000 lao động. Trong số này, gần 70% là lao động nhập cư phải thuê nhà ở. “Thu nhập bình quân của NLĐ chỉ từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng nên khả năng chi trả các nhu cầu thiết yếu là rất khó khăn. Theo khảo sát thực tế, tiền thuê nhà ở của công nhân dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, trang thiết bị đi kèm gần như không có gì. Chi phí gửi trẻ từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/cháu/tháng khiến nhiều NLĐ phải gửi con về quê hoặc đưa cha mẹ ra trông” - bà Phương nêu.
CĐ các KCX-KCN Hà Nội đã khảo sát nhu cầu của NLĐ về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, điểm sinh hoạt văn hóa…, kết quả cho thấy đa số NLĐ đều rất mong muốn được hưởng những tiện ích như đề án mà Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ triển khai. “Việc đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCX-KCN là mong mỏi rất lớn của NLĐ trong hàng chục năm nay” - bà Phương bày tỏ.
Sẽ hỗ trợ NLĐ vay vốn mua nhà
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Chủ tịch CĐ Vietinbank, cho biết ngân hàng này cam kết dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế, công trình công cộng… phục vụ lợi ích của NLĐ tại các KCX-KCN. Với NLĐ, Vietinbank tiếp tục ưu đãi vay vốn mua nhà, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích và tích hợp các ưu đãi nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn tài chính.
Bình luận (0)