Để giải quyết hạn chế này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tìm các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH khả thi phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Nhiều người già không có lương hưu
Tại Hội thảo “Mở rộng diện bao phủ BHXH - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng qua (29/3), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng gia tăng.
Tính đến hết năm 2016, có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hàng năm, có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150. 000 người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Từ 1-1-2018, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục được mở rộng đến lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, ngoài ra, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam. Theo ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB0XH), ngày càng nhiều người lao động (NLĐ) ở khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân (đa số là DN nhỏ và vừa) và DN có vốn đầu tư nước ngoài (từ hơn 1 triệu người/mỗi loại hình DN năm 2007 thì năm 2016 đã có gần 4 triệu người/mỗi loại hình DN) tham gia BHXH.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp... Nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái. Con số này ước tính vào khoảng gần 50% trong tổng số 11,2 triệu người cao tuổi ở Việt Nam tính đến 6/2015.
Cũng theo ông Phạm Trường Giang, với chính sách BHXH hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn. Tính toán của ILO cảnh báo, nếu không có những điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối ở năm 2034. Ngoài ra, “hệ thống các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt, hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thuận tiện, đôi khi gây khó khăn cho DN và NLĐ” là nguyên nhân khiến BHXH, nhất là BHXH tự nguyện thiếu hấp dẫn với người dân như nhiều ý kiến phản ánh.
“Thâu tóm” hết người thuộc diện đóng BHXH bắt buộc
Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành T.Ư Đề án cải cách chính sách BHXH. Hiện Bộ LĐTB&XH đang được Chính phủ phân công với các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp thích hợp cho vấn đề này.
Vấn đề quan trọng trước mắt là cần tìm được giải pháp để mở rộng diện bao phủ của BHXH bởi “hiện còn 20% đối tượng thuộc diện BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia BHXH. Cùng với đó là đội ngũ lao động ở khu vực phi chính thức cần được vận động để tham gia loại hình BHXH tự nguyện” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết. Hiện tỷ lệ tham gia BHXH hiện tại của khu vực phi chính thức là 0,3%.
Theo ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, “lỗ hổng rất lớn” khiến diện bao phủ của BHXH chưa đạt yêu cầu là do cơ quan BHXH chưa nắm được số NLĐ thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, nhất là ở khu vực DN (trừ DNNN) bởi như thông tin của ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH, “DN đăng ký bao nhiêu lao động thì BHXH biết thu BHXH bấy nhiêu”. Hơn nữa, “tỷ lệ đóng góp BHXH đã rất cao (26%) so với một số nước châu Á (Hàn Quốc 9%, Indonesia 5,7%, Thái Lan 6%, Philippines 10,4%...) nên có thể không khuyến khích NLĐ tham gia, trong khi hệ thống quản lý hành chính hiện còn đang là một trở lực cho việc duy trì hiệu quả của hệ thống BHXH” – bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nêu.
Với thực tiễn ở Việt Nam, WB khuyến cáo, trước mắt làm tăng tỷ lệ tham gia trong khu vực chính thức để giúp tỷ lệ tham gia từ 11 triệu lên 17,8 triệu người, đạt khoảng 34% (tương ứng gần 50% mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến năm 2020). Nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga cũng cho biết, nâng cao tỷ lệ tham gia chính sách BHXH hưu trí là vấn đề khó trên toàn thế giới. Còn nếu lựa chọn giải pháp “chính thức hóa hệ thống phi chính thức” (nghĩa là đưa lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức vào lực lượng BHXH bắt buộc) thì “sẽ ít có khả năng mở rộng diện bao phủ của BHXH, thậm chí không mở rộng được theo hình thức truyền thống (góp từ quỹ lương)” – chuyên gia WB lưu ý.
Phát huy ưu điểm của chính sách “hưu trí xã hội”
Kinh nghiệm của một số nước mở rộng diện bao phủ BHXH mà tránh được khó khăn về huy động đóng góp được WB giới thiệu tại Hội thảo là thực hiện chính sách “hưu trí xã hội”. Chính sách còn được gọi là “cho không” này không đòi hỏi đóng góp và trợ cấp bằng tiền. Tuy nhiên, bà Nga cảnh báo, “chính sách “hưu trí xã hội” có thể “làm triệt tiêu” chính sách BHXH tự nguyện nếu người dân nhận thấy chính sách này có lợi hơn thì sẽ hạn chế tham gia chính sách BHXH tự nguyện”.
Với tốc độ già hóa nhanh của dân số sẽ khiến chính sách “cho không” này thành gánh nặng lớn cho ngân sách. Do đó, cần cân nhắc tỷ lệ hỗ trợ của Chính phủ cho các chính sách “hưu trí xã hội” và BHXH tự nguyện để nâng cao tỷ lệ tham gia, đồng thời kiểm soát được chi phí tài chính” .
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phải coi người đóng BHXH tự nguyện như khách hàng
“Không có chính sách BHXH của nước nào mà Việt Nam có thể sao chép nguyên bản và dù đặc thù thì chính sách BHXH của Việt Nam vẫn phải phù hợp xu hướng chung của thế giới. Mọi phương án đều phải tính đến tốc độ già hóa dân số (phải được chuẩn bị trước 10-15 năm) và đồng bộ với các chính sách xã hội khác.
Hiện hơn 40% ngân sách BHXH là từ Chính phủ còn DN luôn muốn mức thuế và BHXH đóng thấp đi. Nhằm đảm bảo chỉ tiêu diện bao phủ BHXH, phải bằng mọi biện pháp, thậm chí cả khởi kiện để mở rộng đến tất cả các đối tượng thuộc diện đóng BHXH bắt buộc hiện còn “nằm ngoài sổ sách” vì đây là quyền lợi của NLĐ. Đồng thời đổi mới chính sách BHXH tự nguyện: cơ quan BHXH phải coi người đóng BHXH tự nguyện như khách hàng, có sự kết nối với BHXH bắt buộc, có cơ chế để tất cả các đại lý BH tham gia vào “bán” BHXH tự nguyện. Giao chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH cho các cấp, các cơ quan theo hướng bỏ qua các đối tượng trung gian là DN, hộ gia đình… mà tiếp cận đến chỉ tiêu trực tiếp là số người tham gia BHXH. Tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và cần bước chuyển mạnh của các thủ tục hành chính, không chỉ trong lĩnh vực BHXH, mới tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Nhờ đó, gián tiếp mở rộng diện bao phủ của BHXH và đảm bảo sự ổn định của Quỹ BHXH bền vững hơn khi ngày càng nhiều DN được thành lập kéo theo nhiều NLĐ ở khu vực phi chính thức tham gia vào khu vực chính thức, trở thành diện đóng BHXH bắt buộc mới có thể kiểm soát được các đối tượng tham gia BHXH”.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Tình trạng hai bảng lương của DN làm thất thu cho BHXH
“Hiện DN có 2 bảng lương: một cho đóng BHXH thường thấp hơn rất nhiều bảng lương để quyết toán thuế. Nếu với hơn 15 triệu NLĐ đóng BHXH với mức chênh lệch trung bình giữa hai bảng lương là khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đây là nguồn thất thu “khổng lồ” của BHXH.
Hơn nữa, nếu cứ đóng BHXH với mức lương cơ bản thì 20-30 năm sau khi hưởng lương hưu NLĐ sẽ chỉ được hưởng lương dưới mức tối thiểu và phải chuyển sang nhóm đối tượng trợ cấp xã hội (người nghèo). Như tại TP HCM có 15% (1,3 triệu) người hưu trí có mức lương ở dưới mức chuẩn nghèo. Vì thế, cần liên thông giữa hệ thống thuế với BHXH”.
H.G (ghi)
Bình luận (0)